Trần Khải Thanh Thuỷ
Xưa nay người Việt vẫn quen với phép xử thế thông thường, sau khi tung hê hồ thỉ là về nhà ở ẩn, vui thú điền viên, cùng vợ chăm nom con cháu, đuổi gà, bắt sâu, trồng cây cảnh, làm thơ... chẳng ai dại dột đăng đàn, diễn thuyết để nói về công lao, thành tích của mình, cho dù có công tày trời đi nữa; Khôn ngoan cất kỹ trong lòng, cùng lắm là viết hồi ký, làm thơ tức cảnh, theo kiểu "ý tại ngôn ngoại" tự mình biết với mình mà thôi...
Vậy mà vừa qua ở Hà Nội đã xảy ra một chuyện động trời, một quan đại thần ngồi chót vót ở thượng tầng Hà Nội từ đầu thập kỷ 90, sau khi hạ cánh, đã cho đăng báo ca ngợi công đức và kể lể thành tích của mình suốt 10 năm trị vì. Nào là: Tôi tài giỏi, tôi liêm khiết, tôi trung thực, tôi thẳng thắn, tôi từ hai bàn tay trắng làm nên, tôi được dân tin, lãnh đạo yêu mến, tôi tư duy đúng, nhờ tôi mà bộ mặt Hà Nội thay đổi một trời một vực so với trước kia... v v. và v.v. Nghiã là chẳng một lời hàm ơn công sức tiền nhiệm, cũng chẳng một lời khen cấp trên, cấp dưới, đồng sự, càng không có lời nào tỏ lòng với mồ hôi, nước mắt của muôn dân bách tính đô thành. Suốt hai trang báo khổ rộng hơn 5.000 từ, chỉ dặt có "tôi" và "tôi".
Trước tiên để chứng minh mình là người tài giỏi, tư duy đúng, ông ta - cựu chủ tịch Hoàng văn Nghiên nói với cánh nhà báo: - Đời tôi có mấy giai đoạn, thứ nhất là người lính, thứ hai là nhà giáo và thứ 3 là nhà khoa học, sau đó là nhà doanh nghiệp rồi quản lý nhà nước. Khi tôi làm doanh nghiệp, một miếng đất cắm dùi không có, phải lấy quán nước làm trụ sở, phương tiện chỉ có chiếc xe đạp rách, vậy mà sau mười năm, tổng vốn tôi có khoảng 500 triệu USD. Con đường của tôi đang thênh thang trên cả nước và quốc tế nên chả bao giờ tôi nghĩ đến việc rời bỏ nó, nhưng năm 1994, nhà nước bảo sang làm quản lý thì phải sang thôi...
Từ nhà giáo, chân ướt, chân ráo sang làm chủ doanh nghiệp, đầu óc trắng tinh về quản lý, tiền tệ, kinh tế thị trường mà sau 10 năm có trong tay 500 triệu Mỹ kim, quả là không nhỏ. Nếu không buôn gian, bán lận, nhập nhèm chuyện đất cát nhà xưởng, ăn chặn tiền của công nhân, chiếm đoạt tiền tài trợ, đầu tư của nước ngoài... làm sao có thể giàu nhanh thế được, dù có tài giỏi đến mấy chăng nữa? Có lẽ "Thăng Long danh giá nhất ông này", nên lãnh đạo nhà nước phải vội vàng bảo ông sang điều khiển, dẫn dắt để Hà Nội vươn lên tầm cao mới, khi ông chưa hề qua cấp phó lấy kinh nghiệm như nhiều người khác, còn người dân Hà Nội thì rỉ tai nhau:
Phúc đức gì mày, bố đĩ Nghiên
Hao tiền trong nước lại nước ngoài...
Vậy mà, nhằm khẳng định công lao: - Sau 10 năm đã làm cho Hà Nội nhảy vọt, trở nên đô hội một trời một vực so với trước. Ông nói:
- Năm 1994, Hà Nội vẫn hết sức nhỏ bé, chật hẹp. Phố nhỏ, nhà thấp, đến mức lãnh đạo phải bỏ ra tiền tỷ để biến Xuân Hoà, Xuân Mai thành Hà Nội thứ hai, nào xây trường học, nhà máy, nhà ở... nhưng đều bỏ hoang vì không ai chịu lên ở. Còn tôi, đi bước ngắn mà chắc ăn hơn, hãy ra Xuân La, Xuân Đỉnh đã, các cụ hai xuân mình cũng hai xuân mà xuân mình gần hơn nên thắng to. Bên cạnh việc mở rộng, còn đầu tư xây dựng hàng loạt nhà hàng, khách sạn như Daewoo, Mêlia, Hilton, Bảo Sơn, đô thị Ciputra v.v.
Sợ phóng viên không ghi đủ những lời ông nói, không ý thức đủ những việc ông làm, cựu chủ tịch Hoàng văn Nghiên nói tiếp:
- Nhờ tư duy đúng, tôi đã làm được những điều mà người trước chưa làm được, đó là đúc đê bê tông cho sông hồng... Lúc đầu tôi tự hỏi: - Sông Hồng là tài sản quý giá, sao năm nào cũng trở thành ngáo ộp doạ người? Làm thế nào để tạo được thành phố hai bên sông? Đưa Sông Hồng vào giữa lòng Hà Nội, biến nó thành tài sản riêng của Hà Nội?
Hỏi rồi tự trả lời, cuối cùng tôi quyết định: - Phải giải quyết ngay con đê, đơn giản nhất là kè lại như bê tông, rồi làm đường đi, khiến đê vừa vững chãi, vừa trở thành đường rộng... Thế mà bao nhiêu điện thoại, thư chửi bới, nào là phá đê, phá những con rồng đất hàng nghìn năm, nào là đê pháp luật, không phải đê bình thường. Quả thực, tôi không dám vác mặt ra đê để khởi công, vì sợ bị chửi, bị những kẻ thiếu hiểu biết quấy rối, ném đá vào mình, nhưng đã xác định được đó là việc đúng thì cứ phải làm đã, sau này hậu thế sẽ ghi công. Cả khách sạn Daewoo cũng vậy, 34 bài báo từ trung ương đến địa phương đánh tới tấp, nhưng làm xong ai cũng thấy đây là công trình đẹp nhất Hà Nội, lại hàng loạt các nhà báo viết bài khen tới tấp.
Về sự thẳng thắn, liêm chính ông khẳng định:
- Hiện tôi vẫn ở căn hộ do nhà nước cấp, không mua thêm toà nhà hoặc biệt thự nào. Cách đây hơn 10 năm (Tết 1995) khi đó tôi vừa nhận chức, các cơ sở trực thuộc thành phố biếu tôi hơn một tỷ, tôi nộp vào ngân sách nhà nước hết, quyết không tiêu một xu nào vì đó là mô hôi, công sức của dân, có phải nước sông đâu?
Đề cập đến một loạt sai phạm của Hà Nội từ "vụ Thuỷ cung Thăng Long, Làng kiến trúc, dự án đường Trần Khát Trân" - đều là những dự án bê bối đa diện và điển hình, vi phạm pháp luật nghiêm trọng ở Hà Nội, khởi đầu từ giữa thập kỷ 90 khi ấy, trong lúc ông nhậm chức, ông trả lời tỉnh queo:
- Tôi chẳng có tẹo lỗi nào, bởi vì những quy định của chúng tôi khác xa với quy định của nhà nước, ví như khi chính phủ ra nghị định 22 thì tôi thấy sai ơi là sai, mình phải tự tìm cách mà vận hành lấy, thấy việc đúng thì làm, nếu chẻ ra chưa có luật phải tự xây dựng luật, cho đến khi xã hội công nhận... Tất nhiên có những vụ án mình không đồng ý với sự lèo lá của nó, mình đã phản đối, đã báo cáo lên cấp trên mà không được chấp nhận, người ta vẫn thích đi cửa tiền, cửa hậu, cho đến khi chính phủ ký rồi thì mình đành phải thực hiện thôi.
Khi phóng viên nóng mắt đặt câu hỏi:
- Sau mười năm làm chủ tịch, thành phố vẫn đang cọ quậy tìm hướng đi, diện mạo vô cùng lem nhem, hệ thống cấp thoát nước quá tồi tệ, hễ mưa là ngập, đường chật, ô nhiễm môi trường nặng,quy hoạch không đồng bộ v.v ông cảm nhận thế nào mà lại cho rằng mình chỉ có công mà không có tội?
Ông phủ nhận tắp lự:
- Đổi mới của chúng ta đến giờ chưa đầy 20 năm, và chỉ thật sự phát triển từ 1991, như vậy mới khoảng15 năm. Từng ấy thời gian mà làm được chừng ấy công việc, đời sống so với trước đã là một trời một vực, tôi nghĩ đòi hỏi tất cả là không thực tế, không nên đưa bánh vẽ cho dân ăn mà phải cho dân thấy đường đi và triển vọng của thành phố ra sao.
Phóng viên đặt câu hỏi cuối cùng:
- Năm 1994 vừa lên làm chủ tịch ông đã từng phát biểu: Tôi nghĩ một đất nước mà lãnh đạo cùng ngồi lên đầu nhau và ngồi lên đầu dân để hành lẫn nhau và hành dân thì chẳng bao giờ khá lên được. Chính câu nói này nhà báo Trần thiên Nhiên đã ghi được và cho phát lên đài phát thanh, cho đến khi bị cấm. Vậy sau mười năm làm chủ tịch, ông nghĩ gì về câu nói này và tự đánh giá cái được nhất ở ông là gì?
Ông ngớ ra một lúc như để định thần rồi vội vàng đánh trống lảng:
- Có thể lúc chân ướt chân ráo tôi chưa có thói quen của người làm chính trị mà chỉ thuần tuý thói quen của người làm doanh nghiệp, còn 10 năm làm chủ tịch thành phố Hà Nội, tôi nghĩ cái được nhất của tôi là được dân mến yêu.
Làm quan thời nay mà được chúng sinh mến yêu, quả là độc đáo đại thần? ở Việt Nam, dân bị mị nhiều rồi, sao có thể nhìn ông ở góc độ ngưỡng mộ và đáng kính như vậy được - dù ông đã bẻm mép, lớn tiếng: Mị dân thì tôi được gì? Song cái xe đời mới ông đi, biệt thự ông ở rộng cả vài trăm mét tại số nhà 12 phố Nguyễn Chế Nghĩa, rồi những bữa picnic ngoài trời của đại gia đình ông chỉ vẻn vẹn 14 người mà tiêu mất 2000 USD do người phục vụ xót ruột, xót của rỉ tai nói lại với gia đình người thân, và lọt đến tai mọi người dân Hà Nội... Liệu đấy có phải sự mị hay không, lợi cho dân hay lợi cho ông?
Đời sống của người Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung so với thời bao cấp có dễ thở ít nhiều, nhưng người làm nên đổi mới, hoàn toàn không phải là các ông lớn. Một sai lầm của lãnh đạo, cả dân tộc phải trả giá bằng bao nhiêu năm, người Việt Nam cần cù, hiếu học, vậy mà luôn phải trả giá vì những sai lầm liên tiếp có hệ thống của lãnh đạo. 20 năm - một khoảnh khắc lịch sử nhưng cũng là quãng thời gian quý báu để làm nên cú nhảy vọt về kinh tế, văn hoá... Điều mà Bắc Kinh, Seoul, Tô-ki-ô, Băng cốc đã làm được, thì Hà Nội vẫn đang sa chân vào vũng lày dốt nát, đói kém, ô nhiễm môi trường do chính các lãnh đạo độc tài của Việt nam gây nên... Thế mà ông quan đầu thành của một thời này lại cho rằng mình có công lớn, làm cho bộ mặt Hà Nội đổi thay một trời một vực so với 10 năm trước? Quả là lật lọng.
Nếu xét về góc độ văn hoá, Hà Nội trước thập kỷ 90 không có nhiều xe máy và xe hơi như bây giờ, nhưng người Hà Nội luôn tự hào về thủ đô nghìn năm văn vật, vì vậy rất đông người Hà Nội có thái độ "kém thực dụng và phi kinh tế" với những thứ to tát mang tính tiền bạc, lãi lời như đê bê tông sông hồng, khách sạn Daewoo, nhà hàng hàm cá mập, khách sạn Mêlia, Hilton, Bảo Sơn, đô thị Ciputra v.v vì những nơi ấy, cả đời họ chả bao giờ được đặt chân đến. Hơn nữa chỉ có văn hoá mới cắt nghiã được vì sao người Hà Nội lại coi vườn đào Nhật Tân quý giá gấp bội so với cả đống biệt thự đờ luých của Ciputra... Cũng chính vì tình yêu Hà Nội mà suốt hai thập niên qua, người dân đã đòi hỏi chính quyền thành phố phải chắt ra chút xíu trong quỹ khổng lồ "đất vàng đất bạc, đất đô la" để xây bảo tàng Hà Nội, một công trình mà khối quý ông trưởng giả cho là chẳng đáng giá gì, mà bản thân ông Hoàng văn Nghiên cũng cho như thế. Chính vì thế mà đến giờ phút này, 18 nghìn hiện vật lịch sử Thăng Long Hà Nội (gồm cả bảo vật quốc gia) phải vạ vật ở nhờ khắp chốn, cùng nơi, bị nhét vào bao tải, túi cói trong gian nhà cấp bốn, hoặc phơi gió phơi sương giữa trời mà ngài chủ tịch suốt 10 năm đương quyền với vốn liếng 500 triệu USD cố tình lãnh đạm bỏ qua. Chưa kể những tệ nạn tiêu cực ngoài đường phố, trong trường học, bệnh viện bời bời phát sinh với tốc độ chóng mặt?
Một người như thế dám nói rằng "dân mến yêu tôi", rồi đưa ra lời khuyên cho người kế nhiệm mình: "Hãy để lại lòng tin cho dân" quả là sự lạc quan cách mạng? Lạc quan như chính các quan thầy của đảng cộng sản bây giờ. Cướp bóc trắng trợn mọi quyền lợi vật chất tinh thần của dân nhưng hễ mở miệng ra là tuyên bố: cho dân và vì dân.
Chả thế mà vào những ngày Hà Nội rập rình chuẩn bị 52 năm ngày giải phóng thủ đô, ngài cựu chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã đệ đơn xin mua đứt căn nhà số 12 Nguyễn Chế Nghĩa với giá rẻ như cho. Trong khi ông đã được cấp một căn hộ rộng lớn tương đương cấp bộ trưởng ở khu vực Đại học Bách Khoa, và bao nhiêu nhà nổi nhà chìm do con cái đứng tên khác rồi.
Ngôi nha? này trước 2002 thuộc sở hữu của tha?nh phố, nên khi lên làm chủ tịch UBND, với lý do khó khăn về chỗ ở ông đã ngang nhiên "mượn", lẽ ra sau khi thôi giữ chức chủ tịch, ông Nghiên phải trả lại ngôi nhà này để chính phủ làm trụ sở chăm lo cho người dân trong thành phố, song ông không những cố tình sự dụng mà còn đòi mua đứt, với cơ sở pháp lý la? Nghị định 61/CP ra ngày 5/7/1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở do ông VõVăn Kiệt, lúc ấy là thủ tướng ký, bắt UBND Thành Phố Ha? Nội phải gửi công văn tới Sở Nha? đất Hà Nội đề nghị ba?n nha? công cho ông. Trong khi biệt thự rộng hàng trăm mét vuông xây từ thời, trị gia? lên tới cả tỷ đô la. Thì ông xin mua với giá rẻ như cho, để cho công ty nước ngoài thuê lại với giá 5000USD/ tháng.
Bởi tất cả các lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam, các tân chủ tịch thành, tỉnh, huyện quận, phường, xó đều để lại "lòng tin cho dân" bằng cách "công một, tội chín" như thế này, làm gì Việt Nam chẳng chịu bao nhiêu quốc nạn lẫn quốc nhục? Và câu ca của người dân Việt Nam còn vang vọng khắp phố phường nẻo đường, ngõ ngách của người Hà Nội: Giàu như Phú, lú như Trọng, lật lọng như Nghiên...
Hà Thành 10-10-2006
TKTT