11 October 2006

Kỷ niệm hay Tưởng liệm?

Nhân ngày "giải phóng thủ đô" (10-10-1954; 10-10-2006)
Trần Khải Thanh Thuỷ

Ai cũng biết, còn vẻn vẹn chưa đầy 4 năm nữa là 2010, chính quyền Hà Nội sẽ làm lễ kỷ niệm trọng đại bề thế nhất từ trước đến nay. Trong suốt thời gian này (từ đầu thiên niên kỷ thứ ba -2001) gần bốn triệu cư dân Hà Nội và 79 triệu cư dân còn lại của cả nước luôn trong tư thế chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

Biết bao sáng kiến đã nảy sinh, bất chấp tính thực thi hay không, cũng bao điều lo lắng xung quanh lễ kỷ niệm này. Xin kể lại để độc giả xa gần cùng nghe, biết đâu góp thêm ý kiến cho dân sinh nước nhà.

Đầu tiên là cái tháp rùa nhỏ xíu giữa lòng hồ Hoàn Kiếm, nơi được coi là linh thiêng của Hà Nội xưa và nay, được lãnh đạo thành phố hăm hở đưa ra ý kiến phá bỏ thay vào đó một tượng đài uy nghi sừng sững nhằm thể hiện ý chí quyết chiến quyết thắng của dân tộc ta. Bởi suy cho cùng thì đó là sản phẩm của chế độ phong kiến chứ chẳng có gì đáng gọi là "lắng hồn núi sông nghìn năm" cả, mà lắng để làm gì khi chúng ta đang sôi sục kỷ niệm?

Trước đó người ta đã cho nhổ cỏ ở gò rùa, lát gạch, láng xi măng, quét vôi trắng lốp, đang tiến hành thì lệnh cấm karaôke diễn ra. Nếu không - như cảnh phóng viên báo chí bình luận: "Cứ đà ấy, chẳng chóng thì chầy, tháp rùa biến thành quán karaôkê ôm của mấy vị quan chức Hà Nội lúc nào không biết? Đền thờ Lê Lợi bây giờ mỗi ngày thêm teo tóp vì các công trình xây dựng quá cỡ vây quanh. Ngẩn ngơ trước sự ồn ào biến động của thời thế, động tác phóng gươm xuống hồ của vua Lê Thái Tổ cũng trở nên ngập ngừng, không dứt khoát. Nhà sử học Bùi Thiết - tác giả chính của cuốn "đối thoại sử học" mỗi lần qua đó đều lẩy kiều cho bàn dân nghe: Dễ loà yếm thắm chôn kim, làm chi bưng bít bắt chim khó lòng. Khi có người thắc mắc, ông giải thích: "Chôn kim nhỏ dễ bị loà đã đành, đằng này "bảo vệ xây dựng, phát huy truyền thống và niềm tự hào dân tộc" thế nào mà cả đến "yếm thắm" là phần rực rỡ quan trọng nhất cũng bị loà. Chả phải tượng vua Lê mới xây dựng từ thế kỷ 19 đã bị loà đi trong muôn vàn nhà hàng khách sạn đua chen đó sao? Nếu làm cuộc điều tra xã hội học, hỏi 1000 người có mặt xung quanh hồ lúc này thì tới 70 phần trăm số người phân vân không biết vua Lê Thái Tổ là ai, có phải Lê Lợi không? Đền thờ và tượng ông đặt ở đâu? cao thấp, to nhỏ thế nào?

Vực Trâu Vàng hay còn gọi là Hồ Tây với truyền thuyết đi vào lòng người dân Thủ Đô: Ngày xưa, nhà sư Khổng Lộ xin đồng đen của vua Trung Quốc về đúc chuông ở Việt Nam, khi đánh thử, tượng trâu vàng ở sân điện Trung Hoa nghe tiếng mẹ gọi (đồng đen là mẹ của vàng) liền lồng lên chạy thục mạng sang, đến vùng Hồ Tây thì tiếng chuông dứt. Nơi ấy, vốn là rừng lim cổ thụ, hai mẹ con sục sạo tìm nhau, mừng mừng tủi tủi, khiến đất sụt thành hồ, từ đó hồ Tây trở thành một phần máu thịt của người Hà Nội... Vậy mà "tối kiến" đã được đề ra trong cuộc hội thảo về chủ đề "tiến tới một nghìn năm Thăng Long" rằng phải biến Hồ Tây thành bãi biển, thay nước trong hồ thành nước mặn. Tiến hành xây lắp hệ thống quạt chạy bằng điện để thổi gió cho nước hồ cuộn lên như sóng, thế là có ngay một Đồ Sơn giữa lòng hồ. Việc gì phải cất công ra tận biển, vừa lãng phí xăng xe, sức lực lại tiết kiệm được tiền bạc, thời gian v.v.

Một loạt truyền thuyết gắn với việc xây thành, đắp luỹ như thành Đại La, Loa Thành. Theo sử sách, thành có từ thế kỷ 8 do Trương Bá Nghi xây năm 757, sau đó được Cao Chính Bình, Triệu Xương (thời Đường) củng cố và xây thêm. Sang thế kỷ 9 (năm 864) Cao Biền tiếp tục xây lên, rồi dâu bể thăng trầm, thành bị sạt lở, đổ vỡ, đến thế kỷ XI (1010) khi nhà Lý khởi nghiệp rời đô ra Thăng Long, vua Lý Thái Tổ cho xây lại, sau đó đắp luỹ bao ngoài gọi là thành Đại La, không biết có phải vì thành quá bao la như tên gọi không mà đắp mãi không xong. Vua đến đền Bạch Mã cầu khẩn, thấy ngựa trắng từ trong ra, liền theo lối ngựa đi mà đắp. Nhờ đó thành không những đắp được mà còn trở nên bề thế, vững trãi. Trải qua bao triều đại, ngày một hoàn thiện hoành tráng hơn. Không ngờ đến triều đại Hồ Chí Minh, nào là tiêu thổ kháng chiến, nào là cho dù "Hà Nội và Hải phòng có biến thành tro thì người dân Việt Nam cũng quyết tâm đánh thắng giặc mỹ xâm lược. Cho nên sau bao nhiêu quyết tâm đánh thắng Mỹ, tiêu diệt mình mà Hà Nội chỉ còn xót lại dăm ba di tích của Thăng Long xưa. Lớp người hoài cổ ai cũng ngậm ngùi trước sự tàn phá của thời gian, của thiên nhiên và của con người, đặc biệt là của những nhà lãnh đạo hiếu chiến hiếu thắng và tàn ác, lớp người này, sớm hay muộn cũng sẽ trở thành tội đồ của dân tộc, của lịch sử, không khác được. Tuy nhiên khi mong ước khôi phục lại một phần máu thịt của lịch sử của ông cha trở thành hiện thực thì bao nhiêu di tích đã vô cớ bị tập đoàn cộng sản phá nát... Một ví dụ cụ thể sinh động nhất là khi mở con đường Đại Cồ Việt, không ít lãnh đạo cộng sản có "sáng kiến" bạt thấp các đoạn đường cao - dấu vết thấp lùn của luỹ thành Đại La xưa -là đê La Thành hiện tại - để cho tường thành biến thành đường luôn, vừa tiện, lợi lại rộng rãi, thông thoáng, như đã từng biến chùa Diên Hựu (tên chính thức của chùa một cột) có từ thế kỷ 11 (1048) với tuổi thọ gần 1000 năm thành sân sau của bảo tàng Hồ Chí Minh, với tuổi đời vẻn vẹn 14 năm (1992).

Loa Thành còn gọi là Thành ốc, do Thục An Dương Vương xây sau khi đánh bại 50 vạn quân xâm lược của Tần Doanh Chính. Tương truyền nhờ xây theo vết chân dẫn lối của rùa thần, gồm chín vòng hình chôn ốc mà không bị đổ. Qua nghiên cứu, luỹ thành cao khoảng 8- 12 mét, chân luỹ rộng 20 đến 30 mét, mặt luỹ rộng 6-12 met. Chu vi vòng ngoài 8 km. Bao triều đại đã qua, loa thành đồ sộ bề thế năm nào chỉ sót lại vài dấu tích. Đã thế trong cơn sốt xây nhà, người dân xung quanh cứ thản nhiên vác cuốc xẻng vào thành xưa đào đất làm gạch. Khi sở Văn Hoá Thông Tin Hà Nội biết chuyện, chạy mướt mồ hôi, cho ra một loạt thể lệ, quy chế, thủ tục, nội dung hòng giữ lại chút mảnh vỡ thiêng liêng của lịch sử, cấm bà con không được tự ý lấy đất làm gạch thì việc đã rồi. Thành chỉ còn là những giọt nước mắt của An Dương Vương rơi trên vết chân dẫn lối của thần Kim Quy mà thôi... hỡi ôi(!)

Tính đến thời điểm cuối 2006 này, vô vàn di sản của Thăng Long chỉ còn là kỷ niệm, hồi ức, hoặc tiếp tục bị xâm hại, chiếm dụng. Một lô các đạo quán nổi tiếng một thời như Trấn Vũ Quán (Đền Quán Thánh - Hồ tây), Huyền Thiên Quán (phố Hàng Khoai), Đồng Thiên Quán (ngõ Tạm Thương), Đế Thích Quán và Bích Câu Đạo quán... Trừ đền Quán Thánh được trùng tu xây dựng năm 1857, còn giữ được nguyên trạng, trở thành nơi giao lưu của tăng ni, phật tử và tín chủ mười phương, ngày ngày thả tiếng chuông ngân nga trong lòng người Hà Nội. Các đạo quán khác, cái bị thả nổi cho người vào ở vô tội vạ, phá phách từ trụ đỡ cuốn thư, đôi cánh chim phượng, đến cả toà đại bái hai tầng tám mái phá đi, cái bị lãng quên, mặc thời gian tàn phá. Bao đời chủ tịch phường, quận lên thay vẫn không đuổi nổi đám người trần mắt thịt ra khỏi đạo quán vì vướng mắc chính sách giấy tờ từ thời trước, hoặc vì quan hệ vòng vo dây mơ rễ má. Đơn giản hơn, nén bạc đâm toạc mọi thứ. Thời hiện đại này người ta chỉ chú ý xây nhà cửa phố phường, đường xá, để có màu mè, phết phẩy, phần trăm chứ mấy ai bám vào quần thể di tích cũ nát - đã chẳng được gì lại dính dáng đến tâm linh?

Một loạt đền thờ ca công, giáo phường - thuỷ tổ các quán hát, nhạc công một thời ở Khâm Thiên, phố Huế... nay xoá nhoà dấu tích hoặc còn trơ lại tấm biển kỷ niệm gắn trên tường ngoài đường. Bao địa danh xưa, vốn có từ lâu đời, không những không được giữ lại còn bị chuyển đổi vì thiếu tính hiện thực cách mạng(!) thiếu nội dung xó hội chủ nghĩa .

Năm 1964, cả nước bước vào "đỉnh cao muôn trượng" của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, lãnh đạo Hà Nội quyết định đổi đường Huyền Trân công chúa thành phố Bùi thị Xuân. Phố Lữ Gia (một tể tướng thời triệu Đà nước Nam Việt cũ) thay bằng phố Lê Ngọc Hân - vợ vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) - một ông vua xuất thân từ tướng cướp chưa rõ là "anh hùng áo vải" của thời đại hay giặc cỏ? Trước đó vào năm đầu tiên của chính thể Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, trường nữ sinh Đồng Khánh Gia Long đổi thành trường Trưng Vương, rồi năm 1975, cả miền nam còn bàng hoàng sửng sốt vì công cuộc "giải phóng đất nước" do lãnh đạo cộng sản gây ra, người bị giải vào tù, phải tìm ra nghĩa địa (sau cả chục năm cải tạo vẫn không thành con người mới xã hội chủ nghĩa), người tự tử chết vì không sao thích nghi nổi với chế độ mới, ăn như sư, ở như phạm, nhá bo bo đến sái hàm, người mắc bệnh dạ dày, người suy dinh dưỡng nặng phải bỏ xứ mà đi xin tự do ở xứ người (khi tự do của mình đã vô tình gửi hết cho cộng sản Bắc Việt)... thì hàng chục tên đường lại bị đổi, đến mức bà con phải làm thơ để ngợi ca:

Nam Kỳ khởi nghĩa tiêu công lý,
Đồng khởi vùng lên mất tự do...


Tất nhiên đạo cha cũng trọng, đạo thầy cũng sang, song sao không nghĩ Hà Nội, Sài Gòn mỗi ngày thêm quá đà, mở rộng, cần hàng trăm con đường khác nhau, mà giữ nguyên tên cũ, giành tên mới cho đường mới mở? Sao đang yên lành lại đổi tên cũ thành tên mới để loay hoay, cân nhắc, chiếu trên, chiếu dưới đủ vành, tốn bao công lao còn tổn hại tới thanh danh người xưa, chưa kể còn đưa những tên đồ tể thời đại - cuồng sát, dâm tặc, võ biền lên thành tên đường, tên phố bắt dân tộc phải thờ phụng để lại trong lòng dân bao nhiêu oán thán, hờn căm, như đường Nguyễn Chí Thanh, thành phố mang tên bác v.v và v.v.

Ba mươi sáu phố phường Hà Nội xưa, mỗi phố ứng với tên gọi một nghề. Nào hàng Khoai, hàng Lọng, hàng Thùng, hàng Mắm, hàng Muối, hàng Đường hàng Phèn, hàng Chiếu, hàng Giày, hàng Bạc, hàng Mã, hàng gà, hàng Ngang, Hàng Đào, hàng Buồm v.v. Ngày nay vẫn phố ấy, tên ấy mà hầu hết các làng nghề đã lụi, thay vào đó là một lô một lốc các hàng "đồ tể" khác như đường Lê Duẩn, đường Trường Chinh, linh tinh bát nháo. Trong chuyện này tất nhiên có nguyên nhân khách quan, song chủ yếu vẫn do lãnh đạo trình độ dốt nát, i tờ, giỏi thiến heo hơn giỏi cầm trịch, toàn làm những chuyện đại nghịch (cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Bắc (1955) và miền Nam (1975) giết chết tươi mầm mống thương nghiệp), nên đã không biết cách tác động, giữ gìn, bảo tồn, để mặc các ngành nghề trôi nổi, thui chột, mất mát dần mòn còn để lại tiếng oán thán, than khóc muôn đời.

Người Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, vốn nổi tiếng khéo tay, tinh tế, đứng trước nguy cơ mai một của làng nghề đành thở dài, trơ mắt ếch, chuyển sang các nghề "giàu xổi" khác... cho dù có bạc ác nhưng được đảng nuôi dưỡng, tin cậy là được, ví dụ như nghề công an chẳng hạn. Trần gian có cả trăm nghề, nhưng nghề công an hiện tại là một trong những ngành nghề thất đức nhất. Lì lợm, đeo bám, theo dõi, ăn cướp, chộp giật, đánh người vô tội, bắt người vô cớ, lố nhố cả đàn... quây quanh các cuộc hội thảo, diễn đàn về việc "tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long" này.

Chuyện "tưởng liệm" vẫn còn dài, còn dại, nhưng trang viết có hạn đành dừng lại ở đây. Hy vọng đến 2010, thay vì kỷ niệm, toàn dân Việt Nam sẽ làm lễ tưởng liệm Đảng cộng sản Việt Nam. Sẽ có vô vàn hương vòng, vàng mã chúc mừng ngày Đảng tuyệt diệt, tận thế...

Hà Nội 5-10-2006
TKTT
(Phóng viên VNN)