Trần Khải Thanh Thủy
Giữa những ngày bận mải tìm đề tài cho báo tết, tôi vô tình tìm được tập thơ: Lưu Quang Vũ- tác phẩm và cuộc đời, gồm những vần thơ và bài viết của mẹ, em gái và một số nhà thơ viết về kịch, thơ và cuộc đời long đong vất vả của anh trong 40 năm đày ải nơi cõi trần. Vừa kịp loé sáng ở tuổi 40 với gần 50 vở kịch như: Ông không phải là bố tôi , nhân danh công lý, hồn trương ba da hàng thịt v.v thì một tai nạn giao thông hết sức vớ vẩn cắt ngang cuộc đời anh, cuộc đời một con người tài hoa mà đầy bất hạnh. Đơn giản vì trong chế độ độc tài do đảng lãnh đạo, người tài hoa làm gì có đất sống."Giàu nó ghét, nghèo nó khinh, tài giỏi, thông minh, nó không sử dụng". Cũng bởi không có cách nào ngăn được tiếng nói trung thực, quả cảm của anh lại mà đảng phải dàn cảnh tai nạn giao thông gây nên cái chết đường đột cho anh và cho cả vợ con (nhà thơ Xuân Quỳnh và cháu Lưu Quỳnh Thơ). Đâu đó trong lòng đường Hà Nội vẫn vang vọng câu thơ:
Một tiếng nói chúng tôi chờ đã mất
Đau đớn này đau đớn nào hơn
Công lý vĩnh viễn nằm dưới đất
Nhân danh gì , họ đã giết anh?
Hiện tại hồ sơ của anh vẫn còn lưu lại hai nơi: Hồ sơ tai nạn tại bệnh viện Hải Dương -nơi anh gặp nạn và hồ sơ mật của bộ công an Việt Nam, nơi anh bị nạn .
Một tiếng nói chúng tôi chờ đã mất
Đau đớn này đau đớn nào hơn
Công lý vĩnh viễn nằm dưới đất
Nhân danh gì , họ đã giết anh?
Hiện tại hồ sơ của anh vẫn còn lưu lại hai nơi: Hồ sơ tai nạn tại bệnh viện Hải Dương -nơi anh gặp nạn và hồ sơ mật của bộ công an Việt Nam, nơi anh bị nạn .
Trở lại với cuộc đời và các tác phẩm của anh, càng đọc tôi càng ngạc nhiên vì nhận ra một Lưu Quang Vũ dưới một cái nhìn mới lạ, một Lưu Quang Vũ thơ ẩn sau những vở kịch.
Dưới góc độ một bài viết tôi không thể nào bao quát hết cả 12 tập thơ hơn 200 bài của anh, nên chỉ dám nhặt một bài - tạm coi là tiêu biểu nhất trong phong cách thơ anh để giới thiệu cùng bạn đọc . Nhan đề
Đêm đông Chí uống rượu với bác Lâm và bác Khánh nói về những cuộc chia tay thời loạn
Nhang tàn lả tả rơi lưng cốc
Nhà lạnh trần cao ngọn nến gầy
Chăn chiếu rách, manh quần áo lạ
Chuyện dài, đêm vắng, rượu buồn say
Gió hú ầm ào qua gạch vỡ
Người chết vùi thân dưới hố bom
Kẻ sống vật vờ không chốn ở
Lang thang trẻ ốm ngủ bên đường
Cơ sự làm sao đến nỗi này
Mông lung không đoán được ngày mai
Máu chảy thành sông, thây chất núi
Bè bạn tan hoang, mình rã rời
Thơ Khánh buồn như lòng đất nước
(Thơ hay, đời loạn chẳng đâu dùng)
Vườn cũ cây tàn chim chết cả
Người chơi đàn nguyệt có còn không?
Mọi chuyện thiêng liêng thành nhảm nhí
Khắp nơi trí trá lọc lừa nhau
Tốt đẹp, cao sang đầu miệng lưỡi
" Nước Pháp khôn ngoan, nước Nhật giàu
Nước Mỹ lắm bom mà cực ác
Nước Nga hiềm khích với nước Tàu
Nước Việt đói nghèo thân cơ cực
Đất hẹp trụi trần vạn khổ đau"
Tối đen thành phố đêm lưu lạc
Máy bay giặc rít ở trên đầu
Ba đứa da vàng ngồi uống rượu
Mặt buồn như sỏi dưới hang sâu
Thôi nhé mai này tiễn Khánh đi
Đường xa bom phá tàu không về
Lênh đênh ai hát ngoài song cửa
Bài ca thanh bình đêm cũ xưa:
"Hoa lá quên giờ tàn
Mây trắng bay từng đàn"
Ngày xưa yên ấm qúa
Trẻ nhỏ hát đồng dao
Trai xách điếu đi cày
Gái quang liềm gặt lúa
Bao giờ hết loạn , người ơi ?
Cạn cùng nhau chén nữa
Tàn canh là xa xôi
Lòng như vầng trăng nhọn
Chém giữa trời không nguôi.
Không biết bài thơ ra đời vào thời điểm cụ thể nào, chỉ có thể đoán mò theo ngày tháng mà anh đặt cho bài thơ là đêm đông chí, tức là đêm dài nhất trong năm. Thông thường một năm chỉ có một ngày gọi là ngày đông chí. Ngày ấy theo quan niệm của người Việt, mặt trời đi chệch về phía nam, cho nên ngày rất ngắn và đêm vô cùng dài (diễn ra vào khoảng từ 21, 22 tháng 12 dương lịch- tuỳ thuộc vào năm thường hay năm nhuận) một ngày mà không hiểu vô tình hay hữu ý, Lưu Quang Vũ cùng hai bạn ngồi uống rượu bên nhau, cùng nói về những cuộc chia tay thời loạn, cũng là cuộc chia tay của ba người, trong đó Khánh là người ra đi, Vũ và Lâm ở lại.
Về xuất xứ, bài thơ nằm trong tập: "Cuốn sách xếp lầm trang" gồm 20 bài do chính tay Lưu Quang Vũ chọn và đặt tên. Tập này nằm trong khoảng thời gian 1971 và 1972, khi anh mới ở độ tuổi ngoài 23 (anh sinh ngày 17-4-1948), song đã có vợ, con và đã ra khỏi quân đội, không công ăn việc làm, còn hai bạn Lâm và Khánh có lẽ nhiều tuổi hơn nên được gọi là "bác", cũng là người từ chiến trường trở về đang tranh thủ nghỉ phép:
Thôi nhé mai này tiễn Khánh đi
Đường xa, bom phá, tàu không về`
Bài thơ ghi lại thời điểm lịch sử buồn tẻ của đất nước. Chiến tranh dạo bước trên khắp các phố phường Hà Nội, phong cảnh đổ nát, hoang tàn. Cả thành phố chìm trong đêm tối, không điện, không trăng sao, chỉ có đèn dầu vặn nhỏ bằng hạt đỗ. Trong căn nhà có cửa sổ, trần cao theo kiểu nhà cổ của Pháp, đầy vắng lặng, lạnh lẽo, thiếu hơi người, sự sống, một ngọn nến được thắp lên, những nén nhang đốt vội cho người thiệt phận, qúa cố, hết nén này rồi nén khác, nhiều đến nỗi:Nhang tàn lả tả rơi lưng cốc. Vậy mà nhà vẫn không ấm lên được, lòng người đã buồn, càng buồn hơn: Nhà lạnh, trần cao, ngọn nến gầy.
Lời thơ , hơi thơ buồn đến não lòng, như một tiếng thở dài bất tận, một nỗi ám ảnh day dứt khôn cùng.Tất cả đang ngưng đọng trong một sự hồi tưởng, một không gian chết chóc bao trùm. Người chết vùi thân dưới hố bom, không ai biết ai hay để tìm, bới, chôn cất, đắp điếm dù chỉ là một manh chiếu rách. Người sống vì bom rơi, đạn nổ mà mất nhà, vật vờ như những bóng ma. Trẻ ốm nằm lăn lóc bên đường, phó mặc mạng sống của mình cho thần chết, chiến tranh khi nhà cửa bốc cháy:
Cơ sự làm sao đến nỗi này ?
Mông lung không đoán được ngày mai ...
Bao câu thơ viết về chiến tranh, không phải đặc tả cái xấu xa khốn nạn của chiến tranh mà ngược lại, cả một nền thơ do đảng lãnh đạo phải dồn nén lại, cố tình giấu đi nỗi khổ của chiến tranh để lớp trẻ lao vào lò lửa chiến tranh như thiêu thân lao vào miệng súng đang khạc lửa, riêng anh bồn chồn thảng thốt, khôn nguôi, trước sự thật trần trụi do chiến tranh mang lại:
Máu chảy thành sông, thây chất núi
Bè bạn tan hoang, mình rã rời.
Thơ anh là nỗi lòng bỏ ngỏ, trung thực, hễ điều gì làm tim anh đau nhói là anh quặn lòng viết, bất chấp hậu quả xảy ra:
Tối đen thành phố đêm lưu lạc
Máy bay giặc rít ở trên đầu
Ba đứa da vàng ngồi uống rượu
Mặt buồn như sỏi dưới hang sâu ...
Thật không còn gì não lòng hơn thế. Nỗi buồn khiến con người hoá đá, hoá sỏi trong lòng hang sâu, trở thành vô tri vô giác bởi những nỗi khổ, nỗi đau đã vượt quá sức chịu đựng của thân kiếp con người ...
Chợt, giữa lòng hang sâu, một tiếng hát bất ngờ cất lên, khiến "hòn sỏi, da vàng" là anh phải nặng lời thốt lên:
Ngày xưa yên ấm qúa
Bao giờ hết loạn người ơi?
Nếu nói theo giọng Đảng thì mùa xuân 1975 là hết loạn, nhưng hiểu theo lời thơ của anh thì cho đến lúc mất, câu hỏi vẫn không được trả lời, bởi nếu đời hết loạn, anh và vợ con đã không phải nhận một kết cục vật vã đau đớn đến thế. Ra đi đầu không ngoảnh lại, mặc sau lưng thương nhớ vơi đầy.
Trở lại với bài thơ, dù là đêm đông chí, dẫu có dài lê thê, cuộc rượu cũng phải tàn, ba kẻ mặt buồn, da vàng chia tay nhau, anh ra về, nhìn vầng trăng mới nhú trên nền trời ảm đạm, mà không thể không so sánh:
Lòng như vầng trăng nhọn
Chém giữa trời không nguôi.
Thời nào thơ ấy, người nào cảnh nấy, thời của anh, thơ ca chỉ làm nhiệm vụ ca tụng công lao thành tích của Đảng, quên đi nỗi khổ sở của dân đen, sự ngu xuẩn của những kẻ cổ vũ cho chiến tranh. Đã một thời, thơ ca có lỗi với bao người. Riêng anh , thương cho những vần thơ không được quyền sống cho mình, chỉ sống cho nhiệm vụ , nên để mặc cảm xúc tuôn trào lên đầu ngòi bút, trung thực tới tận cùng nỗi đau của mình của đời. Nhìn vầng trăng hình lưỡi liềm, lá lúa anh có cảm gíac như trăng thành nhọn hoắt, đâm vào tim anh những lời bỏng rát, chém vào bầu trời những nhát chém liên hồi kỳ trận...Một vầng trăng cũ kỹ trên nền trời cũ xưa mà cách nhìn vô cùng mới mẻ, táo bạo, sống động, giàu sức liên tưởng... Đó đích thực là Lưu Quang Vũ (thơ) ẩn sau một Lưu Quang Vũ (kịch) mà người đời chưa hề biết tới.
Đọc bài thơ này của anh, nhiều người bảo anh bất đắc chí, khóc cười thảng thốt. Sau những phút nói văng mạng là ngồi lặng xót xa. Thay vì nhìn thấy cái hay, cái thật của bài thơ thì họ tỏ ý xót xa vì thơ anh đã chạm vào bến bờ của sự bất lực, tuyệt vọng, không lối thoát. Riêng tôi lại thấy nó qúa hay, nên đã chọn ra để mọi người cùng đọc. Cho dù nó đã có tuổi thọ 35 năm nay, nhưng không hề mòn sáo, lạc hậu với thời gian. Ngược lại nhặt được nó , thầm thì đọc nó, những câu thơ lập tức neo ngay vào bến bờ tâm cảm, như một thanh nam châm hút chặt vào với sắt. Như một viên ngọc lấp lánh bên dòng đời ồn ã, bon chen...
Hà Nội giáp xuân Đinh Hợi
TKTT
(Giới thiệu và bình)