22 September 2006

Hang Đá


Hang đá


Trần Khải Thanh Thuỷ

… Liệu thế hệ cháu con có phải viết tiếp bản tuyên ngôn độc lập thứ 4
cho nước nhà không nhỉ, và bao giờ sẽ viết? …”



 


Từ ngày chuyển nhà sang ngoại ô ở ẩn,
tôi cứ thích gọi nhà mình là hang đá, đơn giản vì 11 năm nghe theo tiếng gọi của
Đảng, đi khai hoá văn minh cho đồng bào dân tộc, giỏi tiếng Mường ngang tiếng
Kinh, cảnh vật núi rừng thật mê hồn, nhưng đời sống tinh thần thì mê mụ... vì
nghèo đói cả thân xác lẫn tinh thần. Bây giờ ngoảnh đầu nhìn lại, không hiểu sao
mình sống qua được những ngày u uất đó. Thiếu thốn cả bánh mì và hoa hồng. Lương
không đủ để về thăm mẹ mỗi tuần một lần, sách báo như quả cấm trên non cao, phải
trèo đủ 99 bậc mới mong tìm được (chẳng ai dại mất thời gian hoặc bươu đầu sứt
trán chỉ vì mấy con chữ). Thành ra chỉ có bài bạc, "tiến lên" là giết được mọi
thời gian rỗi rãi. Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi đi như bản năng bất tận, mù quáng.
Ánh sáng của Đảng của bộ, của sở, của phòng giáo dục có muốn leo lên, gặp phải
dốc Cun dựng ngược 17 km, hay dốc Quy Hậu ngoằn ngoèo hun hút trong bóng lá cũng
phải quay đầu trở lại, chạy mất dép. Đã trót nghe theo lời Đảng gọi rồi, muốn về
-chỉ là cửa ngõ thủ đô- cũng mất cả bữa cơm thịnh soạn và một chiếc xe đạp cuốc,
song ngẫm ra hãy còn may chán, vì nhờ chút quen biết mà được giúp. Nếu không,
giáo viên miền xuôi đông như lợn ỉ, có sẵn cám bã, chuồng trại đâu mà chen ?



Từ khu trại chăn nuôi bò do nông trường nhường lại để các thầy chăn dắt học sinh
một cách tạm bợ, được chăng hay chớ, có méo mó hơn không, về được khu vực trường
thành chuồng và trò thành bầy nơi “cửa ngõ thủ đô" đã là cả một sự kiện long
trời lở đất. Đời sống tinh thần có khá lên, song "cơm vua lộc nước" do Đảng bố
thí thì đâu chả rứa. Bao nhiêu "cơm vàng cơm bạc nhà ta" Đảng độc quyền, độc tài
một mình một mâm, một mình một chiếu chiếm hết, chỉ chút canh thừa, cơm cặn, cơm
hẩm, cháo ôi sót lại Đảng nhường cho dân. Tầng lớp tri thức, lẽ ra phải được
trọng vọng, dưới con mắt của Đảng vô học chỉ là cục phân bón cho ruộng cả, ao
liền của Đảng. Nào cửa hàng Tôn Đản, Nhà Thờ. Cả một nông trường đặt ở ngoại ô,
nuôi toàn gà ri, lợn sữa, tám thơm cung cấp cho Đảng độc tài, vô học... Bù lại
Đảng thí cho một nắm cơm chim, ăn bữa nay, lo bữa mai, cố bôi ra cho đủ 30 ngày,
dù là rau hay cháo...



Kiếp sau, nếu được làm người, chỉ xin đừng bao giờ được sống giữa lòng Đảng nữa,
có thế mới thoát ra khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu, đêm giữa ban ngày, cá lớn nuốt
cá bé, bè Đảng ăn thịt lẫn nhau. Hàng triệu người phải nhoài ra khỏi lòng Đảng
vốn tối như hũ nút để tìm một cuộc "giãy chết" nơi chân trời xa lắc, đó là các
nước Tư Bản chủ nghĩa vốn bất công bóc lột, mà sự "ưu việt" chỉ bằng 1/1 triệu
hệ thống xã hội chủ nghĩa(!) Thà chỉ còn một bộ xương giữa biển thẳm do cá mập
ăn thịt còn hơn thành một bộ xương bày giưã mâm vàng, chén ngọc của Đảng Cộng
sản. Cách mạng có nghiã là cách mẹ cái mạng của chính những đứa con đẻ của mình
đi, để vinh thân, phì gia, nuôi thân béo mầm. Loài người muôn đời dã man hơn ác
thú, cá mập ăn thịt người xong lửng dạ bỏ đi, còn lòng Đảng Cộng sản Việt Nam
thì tham lam vô đáy, ăn thịt con dân không tiếc. Ai thoát được, thành Việt Kiều
yêu nước có thân thế- như thanh nam châm để Đảng bám vào, giở trò mị dân, mơi
móc bằng những ngôn từ đẹp đẽ: "Liễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một
nước phải thương nhau cùng". Đâu có biết liễu điều hoen ố từ lâu rồi, còn giá
gương kia thì tam tứ phen bị họng súng của Đảng đập nát! Nào cải cách ruộng đất,
nào chỉnh huấn, chỉnh quân, nào nhóm xét lại chống Đảng v.v và vv. Chỉ tấm gương
nào được cấu tạo bằng thuỷ ngân láng sắt thép, hoặc ở ngoài tầm ngắm của Đảng
mới may mắn sống sót. Khi nào hết từ tính, hết khả năng lợi dụng moi móc rồi,
Đảng tặng ngay cho hai chữ “phản động”, “thối nát”, “bám đít đế quốc”.



Bao người dân tưởng Đảng làm như Đảng nói, xúm xít vây quanh, như những mẩu sắt
bám vào thanh nam châm, nào ngờ Đảng vẩy mạnh một cái, thế là bắn tung toé sứt
đầu mẻ trán, suốt đời ôm hận, không hiểu Đảng ra sao? Cả cuộc đời theo Đảng, gối
đất, nằm sương, tưởng ngày hoà bình được sống trong ánh hào quang của Đảng, ai
ngờ ngắc ngoải dập vùi thế này ư? Còn ảo tưởng, còn coi Đảng như nam châm bám
vào, Đảng vẩy càng mạnh, mạnh đến mức hết sạch khả năng bám mới thôi. Hãy nhìn
tấm gương của những người dân khiếu kiện của 64 tỉnh thành cả nước đấy. Cả dùi
cui, cả xe cứu thương, giơ cao, đập mạnh, cho đến khi dán xuống nền của trại
giam mới thôi. Tất cả chỉ vì một tội ảo tưởng, coi Đảng và chính quyền là của
mình, thiêng liêng thân thiết như cha mẹ, nên giở thói nhũng nhẽo, quấy rầy (dù
là có lý).



Đến giời bây giờ cũng quay mặt làm ngơ để các con giời ăn hối lộ nữa là Đảng -
trung tâm đẻ ra các con giời. Ai bảo dại, cứ có nén bạc là đâm toạc họng Đảng
được thôi. Đảng sẽ bày binh, bố trận, theo đúng ý của người chủ cây vàng, việc
gì phải biến thành sắt bám vào nam châm của Đảng? Trong khi Đảng lại muốn bám
vào thanh nam châm của người khác có giá hơn, làm gì chả bị Đảng vẩy mạnh? Không
khéo nát xương, bầm thịt như chơi.



15 năm theo Đảng ăn cơm cặn, canh thừa, một đồng xu dính túi không có, trong khi
cậu em nhờ tiêu chuẩn của mẹ: 38 năm bị Đảng cầm tù, vạc đến trơ xương sọ ra,
mới thoát được ra khỏi lòng Đảng, lại còn mò về - chỉ vì nhà con một, dòng họ
độc đinh, trong khi những đứa khác ra đến biển là xổ lồng tung cánh, có hoạ ngu
mới mò về nếu không muốn bị bố mẹ từ mặt, cấm cửa, bóp cổ, chỉ vì cái tội sướng
không biết đường sướng, đã hy sinh đời bố rồi nay lại muốn mất mát luôn cả đời
con nữa ư ? Trong khi bố đã đam mê lầm lạc, cả đời phá sản rồi, con vẫn chưa
trắng mắt ư? Hoặc lại muốn như bố: Trắng cả mắt lẫn tóc, lẫn tay giữa đêm đen
của Đảng tạo dựng... Thế là cái nhà tập thể (phải đổi bằng bao công lao dựng tạo
của ông bà ngoại) ở 53 Hàng Gai cũng chẳng có đủ diện tích mà ở. Không lẽ cứ kéo
dài kỷ nguyên "chó nằm gầm chạn mãi" trong khi cậu em đang đệm êm, chăn ấm nơi
xứ người, trở về phải ra ở ngoài ban công, tổng diện tích chưa đầy 4 mét vuông,
kê vừa đủ một cái phản nhỏ để nằm... Còn mẹ, vừa xót con trai, vừa muốn có con
dâu... đành phải nhắm mắt bước đi. Đất nội thành còn ối, nhưng một mét đất mấy
chỉ vàng như thế tiền đâu mà mua? Bèn trượt chân quá đà sang tận ngoại thành
cách Hà Nội mười km ở ẩn, gõ cửa trăm nơi để vay tiền làm nhà, thắt lưng buộc
bụng đúng 5 năm mới trả hết nợ, tết nào cũng là tết không xu, vì nhặt nhạnh bòn
mót được bao nhiêu đem trả nợ hết cả. Nhà xây xong rồi, chỉ là hang gạch đá rỗng
không, ngoài cái giường tha từ bà và cái xe đạp từ tiền quảng cáo bia của chị
Nguyễn thị Anh Nhân (tổng giám đốc hãng bia Carlberg) ra, cái bếp để dùng không
có. Bà hàng xóm thương tình gọi qua bờ tường dúi cho cái rổ cũ và con dao dùng
dở, làm mình cảm động rơi nước mắt, nhưng không có bếp thì lấy rổ, lấy dao làm
gì? Đành lí nhí cám ơn rồi quay đi, ruột đau như cắt, ngày ngày hai bữa cơm bình
dân hạng xoàng cho xong.



Người Trung Quốc nói: Nhà đóng cửa hoá núi cao, vực sâu. Nhà mình không cần đóng
cửa mà ngược lại "Cổng độc lập tha hồ khép mở, nhà tự do thả sức ra vào" cũng
vẫn là hang đá, vì cách sông, cách cầu, xa xôi khuất nẻo chả ai có công lên việc
xuống gì mà phải mò tới, ngay trong họ hàng ruột thịt 10 năm nay còn chưa biết
nhà anh chị hay cháu ruột cơ mà.



Dù sao cái hang đá này đã gắn bó bao nhiêu kỷ niệm vui buồn của đời mình. Người
xưa dạy: Công nợ trả dần, cháo nóng húp quanh, còn mình thì ăn đã chả đủ lại còn
phải dồn vào trả nợ trước tết. Tuy không bỏng lưỡi, bỏng môi vì buộc phải húp
nhanh cho chóng hết nợ, nhưng lâm cảnh tết không xu. Bao nhiêu lương, thưởng,
nhuận bút vơ vén, gặt hái được dồn vào trả nợ. Tết 5 triệu, tết 3 triệu. Thế là
đành để con ở với bà, coi như còn có hương vị, phong cảnh tết, hai vợ chồng khoá
trái cửa, chốn chui trốn lủi trong hang đá, không hoa, không bày vẽ gì hết, bà
ngoại có sốt ruột gọi điện thoại sang ăn chực được bữa nào hay bữa ấy... Ấy thế
rồi cũng qua tết... Khổ không khác gì những cái tết của thời nghèo đói, bao cấp
mà trên giường tầng của khu ký túc xá trường đại học Sư Phạm, mình và cô bạn tên
Hà đã từng kể cho nhau nghe (Những cái tết bám sâu vào trí óc non nớt của bọn
mình đến chết). Nhà Hà ở Nam Định, bố mẹ đều là công nhân cầu đường, 6 đứa con,
cả nhà không còn một hạt gạo, mẹ Hà len lén cầm bao tải, giả bộ như đi đong gạo,
song... trông trước, trông sau không thấy ai để ý liền xà vào cửa hàng rau ế,
tha về một đống củ xu hào ôi, vừa luộc ăn trừ bữa, vừa thả thêm nhúm gạo vào nấu
cháo, còn lại đem muối để làm thức ăn sau tết thay dưa cà. Bánh chưng, thịt mỡ
chỉ có ở trong mơ... Nhà mình chỉ có năm người: Bố mẹ và ba con, lại giữa thủ đô
nghìn năm văn hiến, lương của cả bố lẫn mẹ cộng vào ngót nghét một trăm nghìn,
cũng khổ sở đói nghèo quanh năm, thức ăn thì quanh năm chỉ rau và lạc, cùng lắm
là quả trứng, bìa đậu, cá thịt là chuyện hãn hữu. Đêm 28 tết, mẹ len lén ra khu
ruộng trước cửa (cũng là đằng sau của bếp ăn trường đại học Thuỷ Lợi) xúc một rổ
cuộng dưa đem về, tỉ mẩn suốt đêm tước hết lớp xơ phía ngoài đi, thái ra xào
thay rau, coi như đỡ được vài hào (vì cấp dưỡng của trường phục vụ một lúc hàng
trăm sinh viên lấy đâu ra thời gian mà nhặt, mà tước).



Vẫn biết cơm mẹ thì ngọt, cơm thiên hạ mới đắng mà sao mình nghẹn đắng cả cổ
họng, không sao mà nuốt nổi, thương mẹ, thương mình và khó hiểu cho cuộc đời này
quá. Làm rã phổi, bỏng họng, sao không có lấy một phút an nhàn, sung sướng. Chủ
nghĩa xã hội mà như chuồng trại, lợn, bò thế này ư ? Cả cái tết cũng không thoát
khỏi cảnh nghèo, cái đói. Bác ơi, bác ở đâu? Liệu thế hệ cháu con có phải viết
lại lịch sử cho dân tộc Việt Nam không, khi Đảng Cộng Sản cứ dương dương tự đắc:
"Ba keo mèo mở mắt". Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc là do Lý Thường
Kiệt viết năm 1017: "Sông núi nước Nam vua Nam ở, Rành rành định phận ở sách
trời". Bản thứ 2 là Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trái viết năm 1414: "Như nước
Đại Việt ta từ trước. Vốn sinh nền Văn Hiến đã lâu... Và bản thứ ba là do chủ
tịch Hồ Chí Minh mượn lời của tuyên Ngôn Pháp và Mỹ viết năm 1945: “Mọi người
sinh ra đều có quyền bình đẳng”. Tạo hoá cho họ những quyền đó. Đó là quyền được
ăn, mặc ở v.v. Bây giờ nước có độc lập, sao dân khổ như trâu như chó? Đảng cậy
mình có trăm tay nghìn mắt, tim sắt, gan đồng, nên cứ vơ được gì cho mình là vơ,
trong khi bụng lãnh đạo Đảng thành mồ chôn sơn hào hải vị của khắp 64 tỉnh
thành, thì dưới cái máng thức ăn Đảng dành cho dân (dù là kỹ sư hay công, nông,
binh sĩ) chỉ có chút cám bã thừa. Những thứ mà Đảng nghẹn họng không nuốt được,
mới đến lượt dân. Tử tế lắm vào các ngày kỷ niệm, thành lập, chiến thắng, Đảng
vẩy thêm cho một nắm bột cá, ba mẩu bánh thừa... thế là đủ tôn vinh sự vĩ đại
của Đảng, đủ để đám "dân ngu cu đen" chổng khu lên mà hát: Đảng là cuộc sống của
tôi, mãi mãi... chết theo người (!)... Liệu thế hệ cháu con có phải viết tiếp
bản tuyên ngôn độc lập thứ 4 cho nước nhà không nhỉ, và bao giờ sẽ viết?



Vừa đi làm được vài tháng ở toà soạn báo Văn hoá Văn nghệ công an, vừa ngửi thấy
hơi đồng, tưởng "chim khôn chọn được cành cao đậu". "Hết khổ rồi em nhỉ, Hỉ Nhi
ơi". Ai ngờ các đồng chí kiếm cớ, dựng vụ để loại bỏ mình ra khỏi túi chứa chính
sách. Thế là lại về hang đá làm thơ, viết văn, viết phóng sự, truyện vui bán cho
các báo để đắp đổi qua ngày, lòng bừng lên một ý chí cách mạng. Không phải "sáng
ra bờ suối, tối vào hang" mà ở lì trong hang. Cứ 5 giờ dạy, "cháo bẹ, rau măng"
xong là ngồi vào bàn ghế viết một mạch đến 6 giờ chiều khi chồng con trở về.
Cuộc đời nghệ thuật không những không sang trọng như câu thơ người viết mà đầy
gian nan bế tắc. Hễ ráo mồ hôi là hết tiền (một ngày từ 15 đến 18 tiếng). Cứ năm
ngày một phóng sự, ba ngày một bài viết. Cả tháng ít nhất phải có 10 bài lớn nhỏ
mới tạm giật gấu vá vai, trong khi biên chế bị cướp, hợp đồng bị phá. Nếu là
người khác, có lẽ đã tự chôn sống mình trong nỗi đau khổ mà chết hoặc tan thành
nước mắt rồi, mình trái lại, đóng băng mối giận hờn trong lòng lại mà viết, mà
hô khẩu hiệu: "Của xê da phải trả lại cho xê da"... Sở dĩ mình bị mọi người
trong toà soạn đố kỵ chỉ vì mình hơn họ một cái đầu, một bộ não đầy vết nhăn,
khúc cuộn chứ không phải phẳng lì, nông choèn, đặc bùn lầy, cỏ rả. Những tình
cảm "tất yếu" mà người đời thường giành cho một kẻ nữ nhi lại không chịu thường
tình như mình...



Chúa dạy: Nếu bị trời đầy thì phải chịu, còn bị người hành thì cố gắng vượt qua.
Mình đã vượt qua một cách dũng cảm phi thường, hang đá dần dần ấm lại, vì hơi
người, vì ý chí... Đến nay, "từ trong hang đá chui ra" mình bắt đầu tự hào về
năng lực, phẩm chất ý chí của mình. 11 năm đi dạy, đời chỉ là con số không, là
cau có trong những nghề cau có (từ 1982-1993). 10 năm buộc phải gõ đầu mình, ở
lì trong hang đá (1997- 2006), mình không những tự nuôi sống mình và gia đình,
còn ra được cả bốn chục đầu sách. Nhờ sách mà bắt đầu tạo dựng uy tín tên tuổi
của mình, cả trong nước lẫn ngoài nước. Thế mới biết ở đời khôn trong dại, dại
trong khôn, phúc ẩn trong hoạ, rủi ẩn trong may thật. Sự khôn của nhiều người
rốt cục cũng chỉ là lèn đầy cái dạ dày ba bữa, vài chục bộ quần áo khoác trên
người,thỉnh thoảng vác bụng đi đánh chén, biến bụng thành nấm mồ chôn sơn hào
hải vị mà thôi. Mình thoát khỏi sự "mị dân", bắt đầu vượt lên để làm chủ bản
thân, làm chủ cuộc đời, không còn phải lệ thuộc vào bất cứ tổ chức, ban bệ thành
phần nào trong nước, ra sức mà cày trên cánh đồng tưởng tượng đầy hoa thơm trái
ngọt của mình để cải tạo dần hang đá, giúp nó ấm áp có linh khí, sự sống hơn.




Thời gian như người buộc xích lôi đi, cứ tưởng năng nhặt chặt bị, hạnh phúc tự
tại, không tranh cướp của ai, cũng sẽ không ai tranh cướp với mình, nào ngờ...
lại hoá thành ảo tưởng, thành “chán chưa hở trời” hết (!). Hang đá cho đến giờ
phút này vẫn chỉ là hang đá, bao nhiêu sinh khí, hơi ấm, đồ đạc của nả dựng tạo
được, nhờ tấm lòng của bà con anh em Việt Kiều, thông qua các bài viết về dân
oan, về đảng, về bác "chí tôn"* bị đảng cướp sạch. Đầu tiên là xe máy - Chịu
cảnh "ngửi khói" thiên hạ gần 2/3 đời người, cuối 2002 mới có được, bỗng không
cánh mà bay. Như thể đã có sự tính toán từ trước. Cuối tháng 7, bỗng dưng tên
Quý, cán bộ dân phòng của khu, tìm vào xin số xe của hai vợ chồng, hỏi để làm
gì? Nó trả lời tỉnh bơ: "Các anh công an phường bảo ghi lại số xe để dễ quản
lý". Ngay sau đó là chiến dịch vây ráp, đi một bước bị theo một bước, dù đi bằng
chân mình, chân chồng, hay chân ải chân ai trong nhóm dân oan đi chăng nữa cũng
có đuôi bám. Mặt đất hằn rõ các vết chân chó. Rất có thể điện thoại bị nghe trộm
mà chúng biết kế hoạch mình sang nhà "mẹ mìn"- Đỗ thị Minh Hằng và cùng với mẹ
mìn, mượn tay bọn trộm để phá khoá, vì thời gian chỉ diễn ra trong tích tắc. Khi
mình dựng xe vào nhà, ông xã còn ngồi canh xe cho vợ cả tiếng đồng hồ, chỉ khi
biết mình sắp ra, mới lững thững bỏ đi, ai có ngờ cái dáng của chồng mình lại...
tệ nhất khi nhìn từ phía sau lưng như thế (mọi khi - đặc biệt sau mỗi lần cãi
nhau) vẫn là đẹp nhất cơ mà?



Cả một đêm tê tái, lang thang vô định ở các đồn công an làm thủ tục khai b á o,
đến các điểm công cộng như bệnh viện, bãi xe, trường học, hiệu cầm đồ để tìm xem
bọn trộm có gửi tạm vào đó trước khi tẩu tán không?... Sáng ra,vừa nhấc điện
thoại thông báo tin dữ, đã có tiếng cười khùng khục trong máy: - Vào các đồn
công an mà tìm, chắc chắn xe của bà đang bị câu lưu trong kho của một đồn nào
đó. Họ muốn chặt tay chặt chân bà đấy bà ạ. Bà không biết đảng ra cả một loạt kế
hoạch để đánh lại một người thích nổi loạn như bà, sau khi các bút danh đã bị lộ
à? Chính Phạm thị Lộc đã bán đứng bà để lấy lòng cơ quan an ninh, hòng xin lại
80 m2 đât tại ngã 5 thị trấn Kế - Bắc Giang đấy, chả phải bao nhiêu lần nó đã
ảnh báo sẽ tố cáo bà với công an để bà chết sặc phân sao ? Trời ơi, có kẻ cầm
mạng mình chạy trước công an, đẩy lòng hận thù của công an với mình lên tột đỉnh
rồi mà còn không biết. Xe máy đã là cái gì? Cẩn thận không thành tương ớt ngâm
trong lọ của bộ công an đấy**...



Sau đó là cắt Internet, rồi chặn bắt ở quán Net, tịch thu điện thoại di động
(vừa kịp dùng một tháng, biết thế nào là nền văn minh thế giới vì điện thoại có
rất nhiều tính năng vận dụng, vừa chụp ảnh, vừa ghi âm), tịch thu ổ USB, và tổ
chức khám nhà, moi rỗng mọi thứ trong nhà chất lên xe tải kềnh càng chở đi.



Sống giữa lòng đảng, trong cảnh lầm than, tài sản quý nhất là xe máy, compurter,
điện thoại di động, ổ USB, máy ghi âm, sách vở, tài liệu v.v thì nay nhờ sự vĩ
đại của Đảng, thông qua trăm tay, nghìn mắt của lũ cướp ngày là bộ công an, đứng
đầu là Lê Hổng.. anh (Hổng anh em, đồng chí chi hết, cứ đi theo xu hướng dân chủ
là oánh bể đầu luôn) oánh cả tư tưởng, oánh cả kinh tế, cho triệt tiêu mầm mống
dân chủ, nổi dậy đi. Với những kẻ nghiện ma tuý thông thường chỉ cần triệt cho
nó sợ, nhưng vẫn để lại các bố già để nuôi... Riêng với loại ma tuý tư tưởng,
chất kích thích, gây nghiện "tự do, dân chủ" trong sinh viên học sinh, dân nghèo
Việt Nam như thế này, cần phải theo đúng lời dạy của cha già: Với kẻ thù phải
cương quyết, khôn khéo. Những gì bất lợi cho độc tài đều có lợi cho dân chủ và
đều là kẻ thù số một của Đảng Cộng sản, nhất là trong lúc "Đảng đã cho dân hấp
hối niềm tin, giữa tự do sóng dâng tràn bờ" này.



Con rắn độc trước lúc chết, đã kịp oằn cổ giãy giụa và đã đớp mình một phát đau
điếng, còn ngoạm đi tất cả những gì quý giá của mình sau gần cả cuộc đời cầm
bút, chỉ vì không ăn theo, nói leo tư tưởng độc hại, trái đạo làm người, ngược
xu thế dân chủ của Đảng.



Ngoài kia, trên mạng Internet, bên kia bờ biển đông, mình tin bão đã động đây
trời rồi. Nhất định sẽ có sự kết hợp gắn bó: "nội công, ngoại kích, kích thêm
hăng" để mình sớm ra khỏi tình trạng này: một mình trong hang đá âm u, không
computer, không điện thoại, không internet, không phương tiện đi lại… Chỉ có lời
của Đảng vọng vào: Cấm! cấm cấm, bao gồm:



- Cấm không gặp gỡ các nhà dân chủ

- Cấm không trả lời đài báo nước ngoài

- Cấm không liên lạc bằng điện thoại (dù chỉ là điện thoại bàn) với bất cứ ai về
việc bị bắt.

- Cấm không được sáng tác những bài viết mang tính chống phá Đảng và nhà nước

- Cấm truy cập Internet ở bất cứ đâu trên địa bàn cả nước. Nếu cố tình sẽ có
cuộc vây ráp quy mô từ bộ công an (Khoảng 30 người) ập đến bắt sống như hai lần
trước (2-9 và 9-9-2006)

- Cấm tiếp xúc với các đối tượng dân oan khiếu kiện

- Cấm nhận đơn thư, hoặc bất cứ tài liệu nào trên mạng mang tính nói xấu Đảng và
nhà nước v.v và v.v



Chao ôi, tưởng Đảng chỉ vĩ đại nhờ cái đuôi định hướng dài, nặng và to quá khổ
(bắt 83 triệu dân Nam thành khỉ, vượn đười ươi giữa lòng đảng trị, trong thế
giới hội nhập toàn cầu), ai ngờ phần "thượng môn" của đảng cũng... to như rứa?
Phun ra đầy uế khí. Người sạch sẽ có nhân cách, lương tri như mình làm sao chịu
nổi ? Rồi xem văn hoá Đảng và văn hoá truyền thống dân tộc, ai thắng ai? Cho dù
có cả triệu triệu công an thực thi công việc truyền bá văn hoá đảng (bao gồm mị
dân, tham nhũng, khủng bố) thì 85 triệu người dân Việt Nam trong và ngoài nước
(dĩ nhiên có mình) sẽ xé toang tấm vải lịch sử mà đảng dày công xây đắp 76 năm
qua. Lúc ấy mọi thứ tạo dựng được từ đôi tay, khối óc, trái tim mình mới thực sự
là của mình, mới không bị Đảng giở trò cướp trắng trợn, công khai giữa ban ngày
ban mặt như thế này, dù là bất cứ lý do nào đi chăng nữa.

Hà Nội những ngày bị Đảng hành, đảng cướp




11-9-2006

Trần Khải Thanh Thuỷ

(nhà văn)