31 January 2007

Thư giãn cuối tuần...Trần Khải Thanh Thuỷ

Trần Khải Thanh Thuỷ
20 tuổi, là sinh viên đại học sư phạm, tôi rất thích câu nói của Xulômlinxki- ông tổ của nền giáo dục Nga: "Ta sống giữa mọi người, niềm vui lớn nhất là niềm vui giao tiếp", vì thế khi tốt nghiệp ra trường, cầm phấn, rồi cầm bút, tôi đều tung mình vào các cuộc chơi với học trò, đồng nghiệp, độc giả, bạn viết v.v...hòng tìm được niềm vui lớn nhất cho cuộc đời mình, xoá đi 4 chữ "canh cô mậu qủa" oan nghiệt, định mệnh...40 tuổi, sau bao lần ngã ngựa, rơi từ đỉnh cao của ngôi đền tri thức xuống dòng sông đời đen ngòm, tôi buộc phải làm ngược lại tất cả những điều ông viết, ông nói, đơn giản vì càng tự xã hội hoá mình bao nhiêu càng bị thương tổn nặng nề bấy nhiêu. Nào là:"Văn học là của giáo viên văn, giáo viên dạy sinh không được quyền lấn sân người khác, đề nghị chị (đồng chí) hãy quay về với sân ăn của mình, không nên tái phạm". Nào : " Buông thả ngòi bút, lập trường tư tưởng non nớt, yếu kém, Đề nghị thận trọng khi nói, viết , làm và nghiêm khắc đấu tranh với bản thân".

Nào phụ nữ gì mà giọng điệu chớt nhả, quá đà, chả có chút nữ tính nào. Biết gì về Hồ Xuân Hương mà đòi viết, thật ngông cuồng và rồ dại. v.v và v.v(lăng nhăng và lăng nhăng)...và tôi hiểu, kể từ năm 1946, sau khi cướp chính quyền từ tay ...nhân dân, dòng máu đen tối, ác độc mà đảng cộng sản bơm vào cơ thể dân tộc luôn phát huy tác dụng, cứ cá lớn nuốt cá bé, người ngay sợ kẻ gian, kẻ dốt dìm thằng giỏi. Ngay cả ngôi đền thi ca mà tôi trú ngụ cũng đầy cỏ giả, rác rến, người tốt thì ít, kẻ cơ hội thì nhiều, hệt câu thơ Nguyễn Trải tả:"miệng thế nhọn như chông mác nhọn, lòng người quanh tựa nước non quanh"...Vì thế trong 36 cách chỉ còn cách...chuồn. Từ đó làm theo lời người Trung Quốc dạy:" Nhà đóng cửa thành hang sâu núi cao", một mình mình viết, một mình mình xem. Thà "khóc cười thủ thỉ, đếm thời gian trôi" trong chính cõi lòng mình còn hơn là tung mình vào những cuộc giải trí vô bổ, tội nghiệp, chỉ tổ bị người đời đố kỵ, dèm pha, cứ đùi em trắng hơn đùi chị là ...bỏ cha nhau rồi

Cuộc đời luôn có những nút thắt, bí ẩn, lối rẽ bất ngờ, khiến người ta phải tự điều chỉnh, thích nghi lại mình. Năm 46 tuổi, bị bao vây trong trùng trùng, điệp điệp đội ngũ công an - những kẻ chuyên trấn áp các nhà dân chủ, người bất đồng chính kiến, thích nói thẳng , nói thật như tôi...một mình nơi chốn cao vực sâu, lúc "hang đá"( căn nhà tôi ở tại Gia Lâm) lúc" đỉnh giời" (căn hộ tầng 3 tại chung cư của mẹ đẻ) không ngờ lại là nơi bình minh chim hót, trái tim luôn bình yên, nơi hàng trăm tiếng nói vọng vào từ phía bên kia bờ biển Thái Bình Dương. Những cuộc giao lưu qua điện thoại, qua trả lời phỏng vấn, qua mạng internet...đã khiến hồn tôi nở hoa, mọc cánh, tung bay khắp phương trời.Những câu hỏi thật ngộ nghĩnh, thân thương, khiến tôi phải nhìn nhận lại quan điểm của mình một lần nữa: "Ta sống giữa cộng đồng, niềm vui lớn nhất là niềm vui giao tiếp (trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau)


- Chị Thuỷ ơi, Nghe anh Ngô Kỷ , đài Quê Hương giới thiệu, chị tốt nghiệp đại học sư phạm khoa sinh cơ mà, sao lại viết văn vậy?
- À ...tôi nghĩ sao nói vậy: - Mình chỉ thích văn học thôi, chứ đâu có nghĩ thành nhà văn, chẳng qua cuộc đời qúa khổ, sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi chiến tranh, 3 lần thể nghiệm nỗi đau mất bố, mất anh, rồi cả em trai nữa, chỉ vì tham gia quân đội mà bỏ mạng. Thế là buồn bã lang thang, không ngờ lạc vào cánh rừng ngôn ngữ của Việt Nam, nơi 26 chú lùn từ A đến Z đang ngự trị. "Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén", được các chú an ủi, động viên, dỗ dành, chèo kéo, mình lần lượt "phải lòng" hết cả 26 chú, thế là phải chửa, phải đẻ, phải nạo, rồi đẻ ra cả nghìn chú lùn con con... xếp chật trong 15 ngôi nhà...bằng giấy( 15 đầu sách), rồi được kết nạp vào hội (năm 2000) và thành nhà văn, vậy thôi.
- Chị Thuỷ ơi, sao giọng viết của chị đầy nam tính vậy? Nếu không có ảnh của chị đi kèm, nếu chị cứ để tên Nguyễn Thái Hoàng mãi, ai cũng tưởng chị là đàn ông , đàn ang thật đó.
- Giọng "đều đều vịt đực" thỉnh thoảng lại "đao to búa lớn" của mình, thích làm hàn lâm phố huyện, vụn vặt triết lý nhân sinh, có lẽ do trời sinh ra thế...Tạo hoá vốn đầy bất cẩn và tuỳ hứng, đang nặn mình hết sức trau chuốt (từ chất bột, đến các đường nét chọn lọc, khả dĩ trên khuôn mặt), bỗng dưng bị một lý do gì đó thúc giục (tẩy trần, xổ ruột, đi ăn tiệc, chơi gái, chích "cơm đen" chẳng hạn) thế là nặn quấy nặn qúa cho xong để còn đáp ứng các nhu cầu tự thân, thành thử, lẽ ra được làm đàn ông, như mọi người đàn ông khác trên đời, chỉ vì thiếu mất "tí ti nguyên liệu" mà phải làm đàn bà, và cả đời giấu cốt cách đàn ông trong cơ thể đàn bà, muốn bay không nhấc nổi mình mà bay ...
- Sao chị lấy lắm bút danh thế, có phải chỉ tình cờ, ngẫu nhiên hay có tình ý gì không?
- Mình lấy nhiều bút danh vì nhiều lý do. Thứ nhất phải phân thân thành trăm mảnh để qua mặt lũ mũi thính, tai dài của đảng, cho nên lúc là cá nhân, lúc hội tụ lại thành nhóm phóng viên Hà Nội, nhóm phóng viên VNN... "xuất quỷ nhập thần" để đánh lạc hướng lũ chó săn, vốn được đảng huấn luyện vô cùng bài bản. Công an là phương tiện để đàn áp nhân dân mà: Người việt nào cũng bị hành, nhũng tham nào cũng bỏ qua, thầy bà nào cũng nịnh hót" Vì thế việc chọn tên không hề ngẫu nhiên đâu, mà có ý có tứ cả đấy. Ví dụ Thái Hoàng thì ai cũng biết là do tính thoáng hài của mình rồi, cả thơ lẫn văn, hay báo, đều rất thích rắc nấm cười vào trong câu chữ, cho độc giả ít nhiều được thư giãn, sau những phút than dữ vì công việc, chồng con, bệnh tật v.v và v.v(vui vui và vui vui).Hơn nữa còn là con cháu của Nguyễn Thái Học, nhà cách mạng thực sự của Việt Nam. Còn Thái Bình là mảnh đất mình đặc biệt yêu mến, nơi có "thần tình yêu, kho hoang tưởng ngàn đời" của mình ở đó, nơi mình trú ngụ trong những ngày đau thương mất mát (1995-2005), khi bị đẩy ra khỏi báo Cựu Chiến Binh, phải lang thang kiếm ăn, để còn có cái mà cựu chén binh( sau những ngày dài ngán ngẩm cho thân phận cựu chán binh của mình) ...Mặt khác, nó còn là mảnh đất cực kỳ khổ ải, ghi nhiều, "dấu son" của dân tộc, từng là kho cung cấp sức người, sức của trong chiến tranh, song cũng là nơi nhận về nhiều đau thương mất mát nhất, từ số lượng bà mẹ Việt Nam anh hùng, các thương bệnh binh nhiễm chất độc da cam, tỷ lệ trẻ em tật nguyền" bao giờ cũng đứng nhất nhì miền Bắc( Sau Thanh Hoá anh hùng) .Trong thực tế, cũng là nơi tệ nạn tham nhũng diễn ra nhiều nhất, đến mức khi về lại Thái Bình để viết bài"Thái Bình dạy sóng" mình đã phải tức cảnh...mượn thơ để tả:

Bố cạn tiền rồi cán bộ ơi.
Bão lũ sủi sôi cuốn sạch rồi
Thi đua đã khiến thua đi mãi
Chú phỉnh tôi rồi, chính phủ ơi...
v.v và v.v (vui vui và vui vui)


- Chị Thuỷ ơi, Mai Xuân Thưởng là ai vậy? Sao trong các bài viết về dân oan của chị luôn có tên này, từ vườn Hoa Mai Xuân Thưởng, đến nhà tiếp dân trung ương số 1 Mai Xuân Thưởng?
- Mai Xuân Thưởng là nhân vật lịch sử của dân tộc mà mình vô cùng quý trọng. Ông sinh năm 1860 tại Bình Định, đỗ cử nhân 1866, mất 1887 do từ bỏ con đường làm quan, đứng ra kêu gọi thanh niên đứng lên đánh Pháp, theo lời kêu gọi của Vua Hàm Nghi trong phong trào Cần Vương, thế là bị Pháp chém đầu chưa đầy một năm sau đó,
khi chớm sang tuổi 27.
- Nè, em thích nhất bài "Người thờ cha già dâm tặc" của Võ Quế Dương đó, có phải của chị không?
- Võ Quế Dương là bài viết đầu tiên của mình về anh Nguyễn Phúc Trường ( thôn Vân Dương, xã Vân Nội, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) vì lấy thân mình chèn bánh ô tô để giữ lại mảnh đất mà anh có công khai phá từ 16 năm trước, không cho công ty Kinh Bắc cướp trắng bán cho chủ đầu tư của Nam Hàn mà anh dũng hy sinh (hệt Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo) vậy, chỉ có điều cái chết của Tô Vĩnh Diện là cái chết được đảng và nhà nước khoác danh nghĩa, còn anh Trường thì được dân làng khiêng lên tận uỷ ban nhân dân tỉnh để biểu tình, gây ắc tách cả một đoạn giao thông dài. Sau khi viết xong bài:" Chuyện xảy ra trên quê hương quan họ- giết dân để cướp đất" cần che giấu tung tích, mình liền lấy luôn tên xã, tên huyện của nhân vật để làm bút danh, đánh lạc hướng của lũ công an đảng, đồng thời chửi luôn cả ông...phá tổng biên tập Đặng Vương Hưng, vì cái thói giả nhân giả nghĩa của ông ta trong việc chơi gái, ăn chặn tiền nhuận bút của gia đình liệt sĩ Nguyễn văn Thạc (giống hệt thói đạo đức giả của đảng cộng sản Việt Nam)
- Lại còn Nguyễn Nại Dương nữa chứ, tại sao không phải là đại mà là nại vậy, nghe kỳ qúa hà?
- Nại Dương chỉ đơn thuần là ánh dương nhẫn nại chiếu sáng trên bầu trời. Chả là mình vốn dòng dõi khoa bảng mà, mấy đời ông, cha đều là túc nho cả. Nếu đẻ con trai chắc chắn mình chọn tên Nại Dương để đặt cho con đó. Nếu ai không hiểu cho là kỳ quặc, cổ hủ, nhưng hiểu ra rồi thì khi cháu lớn lên, khối cô phải lòng đấy
- Chị Thuỷ ơi, ông xã nhà chị có ủng hộ việc làm của chị không?
- Ông ấy gõ đầu trẻ như mình ngày xưa vậy, sau khi "mất dạy, vô lương", mình phải chuyển sang gõ đầu mình như hiện tại, còn ông ấy là quan võ, dạy thể dục chỉ cần mấy động tác: "Trước thẳng, sau cong, giữa ngoằn nghèo", thôi, chả liên quan gì đến nhau cả, nên thường xuyên gõ đầu nhau chan chát.
- Í hí, chị lại hài rồi, gõ đầu nhau chan chát thì làm sao có liền hai Cách Cách ?
- Không phải Cách Cách mà là Công Chúa. Khi lấy ông ấy, mình vẫn "đáng giá nghìn vàng", nghĩa là vợ cả, hoàng hậu chứ có phải vợ hai, hay cung tần mỹ nữ hoặc thứ phi (của dùng rồi đâu)?
- Ừ hứ, xem phim tàu cứ thấy gọi Cách Cách nghe hay hay, hoá ra con bà cả gọi là công chúa và hoàng tử, còn con bà hai mới gọi là Cách Cách và Tiểu A Ka à, hay nhảy?
-Trở lại câu hỏi của bạn, của đáng tội, thỉnh thoảng chán gõ đầu nhau thì quan văn "đè" quan võ, à quan võ đè quan văn một chút, song lại việc ai nấy lo thôi, ông ấy chẳng quan tâm gì đến việc vợ "cào mây cuốc gió" trên giời. Vì thế các sản phẩm tinh thần mà mình "cào" được, dù có xếp lại thành bài, thành chương, thành sách, thì cũng chỉ là "thuốc ngủ liều cao" thôi, khi nào muốn ngủ lại lôi ra, đọc vài dòng là mắt díu lại, một dòng tơ bọt chảy vắt từ phải sang trái, từ miệng xuống cằm như "cầu vồng" chợt hiện sau...môi vậy.
- Ôi , đúng là chị thật, ai cũng cù được. Chị Thuỷ ơi, sao hội dân oan Việt Nam lại ra đời vào đúng 12 giờ trưa ngày 9-12 vậy, nhảy không kịp à?
- Đơn giản vì đẻ vào buổi trưa là thông lệ của gà mà. Sau bao nhiêu ngày nhếch nhác tro than vì bới rác, cuối cùng, nhờ sự trợ lực của thiên nhiên, của thời gian, của các nhà dân chủ, nên gà vẫn đẻ. Cho dù xung quanh mình là diều hâu, quạ khoang, cú vọ , là thế lực thù địch công khai hoặc ngấm ngầm, đòi giết chết tươi ý tưởng, mầm mống "nổi
loạn, tạo phản" của mình cho bà con đi chăng nữa, gà vẫn đẻ, vẫn đập cánh, la làng:

Cục ta cục tác
Công an ác ác ...
Tôi đẻ trứng tròn,
Vừa xám vừa nâu


- Thật là tuyệt vời.
Giữa trưa vắng, nắng ngời chân tóc.
Giữa kẻ thù trứng cứ đẻ ra...
Vinh quang thay là một quả trừng tròn
- Ừ, nhưng "mái non, con dại", nên vẫn đang lúng túng như gà mắc tóc ấy. Biết bao nhiêu việc phải làm, nào "tìm rơm để lót ổ" (Văn phòng), nào xoè cánh che chắn để lũ diều hâu quạ mổ, khỏi đập vỡ trứng, nào bới rác, tìm sâu để tiếp tục đảo và ôm ấp, cho trứng nở thành gà ... v.v và v.v(vui vui và vui vui)
- Chị Thuỷ ơi, đã có nhiều, người tài trợ cho hội chưa vậy?
Tính đến hôm nay là hơn 1000 USD rồi , tiếc là đồng tiền lêu lổng qúa
- Ủa sao vậy?
- Vì chị trưởng ban tài chính bị mất chứng minh thư, nên không đứng ra nhận thay cho bà con được, 4 người khác trong ban thì lại nhát chết, sợ công an buộc án, gán tội (Nhận tiền của "bọn lưu vong phản động nước ngoài") nên trốn biệt, phải nhờ người của ban thư ký nhận giúp, lại không tự nguyện, tự giác nên bát nước công đức chuyển vào tay bà con chỉ được 1/3 (2.600.000 VND) 2/3 còn lại trút hết vào túi họ, nên mình đành phải "stop" nhờ các sáng lập viên của hội giữ hộ, khi nào kiện toàn, củng cố lại nội bộ mới công bố địa chỉ , điện thoại, người gửi, để mọi người chuyển tiếp
- Rắc rối ghê chị ha!
- Ừ, người Việt Nam mình mà, bị đảng cướp bóc đến cạn kiệt, thiến mất nhân cách danh dự nên không ít kẻ tự biến mình thành Mã Giám sinh thời đại: "Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê"
- Nè ở Việt Nam bây giờ là 12 giờ đêm rồi đó, phải trả chị về với "chính( chồng) chị và chiếc giường", đúng hôn?
- Ờ, mình cũng đang muốn ngửi hơi chồng đây, quen rồi, không chỉ mùi hôi nách của chồng mà còn cả ...hôi tanh mùi chồng nữa
- Ủa, nói gì kỳ cục dzạy?
-Thì...đêm đêm ngửi mùi hôi, mùi hôi nách của chồng trong bài "Hoa sứ nhà nàng" mà mình nhại chệch đó. Còn: "gần chồng ắt hẳn ..hôi tanh mùi chồng" trong bài " trong đầm gì đẹp bằng sen, mình cũng nhại cho vui mà.Có cần mình đọc lại không?
- Thì đọc nghe chơi!
- Trong buồng gì đẹp bằng em
Tóc đen, da trắng lại thêm ...mông bành
Miệng cười, mắt sáng long lanh
Gần chồng ắt hẳn ..hôi tanh mùi chồng"
- Trời đất, hết chịu chị luôn, thưa chị Thuỷ...
Hang Đá 31-12-2006
TKTT
(Còn tiếp)

Hà Nội -Cuộc biểu tình vẫn còn tiếp diễnGhi chép:Trần Khải Thanh Thuỷ (và các cộng sự)

1. Xe đưa đón bà con tới nơi tập kết

Kể từ sáng thứ 5( ngày 11/1/2007) gần 500 xã viên làng nghề ở Vạn Phúc thị xã Hà đông đã kéo nhau lên văn phòng chính phủ (35 Ngô Quyền -Hà Nội) biểu tình thị uy. Ngoài một số người đi xe máy, taxi, còn hơn 400 người tràn vào bến xe buýt Hà Nội - Hà đông ngồi chật 7 xe ( Mỗi xe chứa 65 người), với lý do- từ năm 1991, xã đã mượn đất của dân để đưa vào dự án làng nghề. Tưởng làng nghề là bản sắc văn hoá dân tộc, bao nhiêu năm bị bỏ đói, không chế độ, không lương, thưởng, nay nhà nước đã nhìn ra, trông vào, đầu tư nâng cấp, cải thiện đổi mới , đề cao truyền thống làng nghề, có chính sách hợp lý đúng đắn để bà con khỏi thua thiệt, nhằm phát triển sản xuất, nâng cao tay nghề, cạnh tranh lành mạnh với các đơn vị, địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước, đề cao một mặt hàng xuất khẩu đặc biệt là lụa tơ tằm của Việt Nam nên bà con phấn khởi ghi nhận, giao đất, giao vườn.

Nào ngờ 10 năm rồi 15 năm trôi qua, dự án mãi còn bỏ ngỏ. Khi dân lên tiếng đòi trả lại đất cho vay, thì dự án mới nhúc nhích chuyển động, mà số người được đền bù chỉ thuộc về đối tượng nông nghiệp, nghĩa là chiếm 1/4 của làng, 3/4 còn lại chuyên về nghề dệt lua tơ tằm, làm nên bản sắc độc đáo của Hà Tây- quê lụa, thì lại bị bỏ qua. Không những gây nên sự hẫng hụt, bức xúc cho cả vài ngàn người, còn tạo ra tình trạng bất ổn, mâu thuẫn, chia rẽ giữa những người dân trong làng với nhau. Nhà nào một lao động chính là nông nghiệp còn được đền bù chút đỉnh, nhà nào cả vợ chồng, con cái cùng theo nghề dệt lụa truyền thống chỉ còn nước đói...Đói hiện tại, đói tương lai, đói cả niềm tin vào chế độ chính sách. Vì vậy sau những ngày dài ôm nhau mà khóc, ôm nhau mà chờ, bà con quyết định khăn áo, gió đưa, tay gậy tay bị lên trung ương...ngồi chờ...Chưa khi nào cảnh tượng ở bến ô tô Hà Đông lại nhộn nhịp, đông đúc và ồn ào đến thế. Người chen, kẻ lấn, bóng công an chen lấn giữa đám người làng, tay cầm dùi cui, miệng ầm ào la lối, bắt bà con phải xuống, ai về nhà nấy,cấm đi, cấm đến...lơ tơ mơ là bỏ tù cả lũ
Mặc cho dùi cui vung lên, lệnh miệng hạ xuống, bà con từ già đến trẻ, đàn ông , đàn bà vẫn tíu tít lên xe, đuổi xe này thì bắt xe khác, chặn ô tô buýt thì đi xe tuyến, xe đường dài, liên tỉnh. Giữa nơi được gọi là cửa ngõ thủ đô, cách Hà Nội tròn 11 km này, xe chạy nghêng ngang như cua bò lổm ngổm trên đường , bắt xe nào chả được, vẫy lúc nào chả xong, lên xe nào ai cấm? Cả làng chỉ trừ ông già, bà cả ở lại cơm nước, trực chiến, còn lại tất cả kéo nhau lên trung ương kêu kiện. Nhiều hôm xe thoát hiểm chạy ra tận gò Đống Đa còn bị lực lượng cảnh sát 113 của thị xã và tỉnh đuổi theo, áp sát vào lề đường, bắt cả 7 chiếc xe buýt phải đổ người xuống, không cho quay về bến cũ, cũng không cho đi tiếp lên Hà Nội...Thế là 4- 500 con người, bất chấp lệnh cấm, người đi bộ ra vườn hoa Mai Xuân Thưởng, người bắt xe ôm ra 35 Ngô Quyền ngồi đợi, người tức khí gọi ta xi đi tiếp. Cùng là thân phận "cóc, nhái", mà mưa không khắp đất, họ quyết lên thiên đình thưa kiện, kẻo trời hạn hán qúa lâu rồi. Ngồi một chỗ nghiến răng trèo trẹo, sái quai hàm cả 15 năm rồi mà người của "thiên đình" cũng chẳng biết cho, trong khi có giọt mưa nào thì quan xã, quan tỉnh hưởng cả, thừa thãi mới đến dân, mà chỉ dân nông nghiệp mới được chia phần, còn dân làng nghề, dệt ra những tấm vải tơ lụa vàng óng quý giá , cả nước biết đến, Ấn Độ, Trung Quốc phải so bì, thì bị bỏ mặc...
Chẳng còn gì để mất, cả làng lũ lượt kéo nhau đi, với ý chí cao hơn ngọn núi :quyết tâm gặp bằng được chủ tịch nước mới thôi. Khẩu hiệụ mà dân làng căng ra là: "Người dân quê hương cách mạng yêu cầu gặp chủ tịch Nguyễn Minh Triết"Ngày đầu, ngày thứ 2 rồi ngày thứ 15, người dân vẫn tiếp tục bám trụ, mặc công an dỗ dành, doạ nạt, dẹp loạn, đàn áp, giải tán, mặc mưa gió, bão bùng, nhiệt độ ngoài trời xuống tới 10-12 độ C, rét quắt tai, tái môi, cứng hàm, khói thở ra đằng mũi, tay chân nổi da gà, vẫn kiên trì bám trụ. Cứ lấy cổng văn phòng chính phủ làm đích, một tấc không đi, một li chẳng rời. 6 giờ sáng lốc nhốc từ cổng làng đi, 7 giờ có mặt, căng khẩu hiệu và ngồi bệt ăn vạ đến tối...người về nhà đổi ca cho người khác lên, người về ăn uống tắm giặt, mang đồ ăn thức uống cho mọi người, tíu ta tíu tít, đúng như lời kêu gọi của Mác: "Cách mạng là ngày hội cuả quần chúng"...
Giữa trung tâm thành phố, nơi khách tây nhìn thấy , người dân thủ đô trông vào, công an không dám giở trò thô bạo, chỉ chờ đến khi trời tối, bóng đêm ập xuống, lực lượng biểu tình mỏng, vì người đi, kẻ ở, rồi các quan khách nước ngoài ít qua lại, công an mới dám cho xe tù bịt bùng kín mít xúc họ đi. Cả công an tỉnh Hà Tây, công an thành phố Hà Nội, công an phường Hàng Bài cùng kết hợp ...để xua đuổi vài trăm con người ra khỏi khu vực cổng văn phòng, kèm đủ lời doạ nạt, cay cú, qúa khích... nhằm cho người dân biết sợ mà bỏ chạy tán loạn, triệt tiêu mọi mầm mống " nổi loạn", kêu kiện, đòi hỏi
...Mặc cho mưa dùi cui và bão miệng từ đám công an đổ xuống, sáng hôm sau, đến hẹn lại nên, bà con lại lũ lượt rủ nhau đi. Cảnh sắc làng nghề như mang một sắc thái mới, một âm hưởng mới, 10,11 giờ khuya còn líu ríu chia tay, dặn dò, khích lệ. 4,5 giờ sáng đã í ới gọi nhau từ đầu làng đến cuối xóm . Chỉ trừ trường hợp đặc biệt, gần đất xa trời, không người trông nom cơm nước nhà cửa cho bọn trẻ mới ở lại, còn nhà hai người cũng phải đi một, nhà 5 người thì đi bốn, đi ba...người ở lại lo việc "hậu phương", cơm nước , bồi dưỡng sức dân. Càng những ngày sau càng đông hơn ngày trước. Tất cả nêu cao quyết tâm: "Phải đòi cho được quyền lơị đã mất, không thể cứ nên khẩu hiệu "cho dân và vì dân" lại cướp không của dân như thế?"
Hôm nào tránh được nạn công an quấy nhiễu, trốn thoát được sự kiềm toả săn lùng của bọn slochome nội hoá( mũi thính, tai dài, răng nhọn) bà con lũ lượt ở lại, cứ vỉa hè làm nền, bóng cây làm mái , cả trăm con người quây lại bên nhau, che chắn cho nhau, mặc gió rét ù ù thổi, những ngọn lửa quyết tâm của họ không hề vơi cạn , mà còn sưởi ấm cho nhau, động viên khích lệ tinh thần nhau, quyết vượt ra khỏi bóng tối của sự độc tài, đói kém, bất công, ngang trái
Gặp một nhóm bà con ở lại ban đêm , người thu lu trong đống chăn bạt quần áo mũ mãng sùm sụp để tránh rét, tôi hỏi:- Bà con kéo nhau đi đông, lại đi dài ngày như thế này , lấy ai tài trợ?Tất cả cùng nhao nhao trả lời: - Chúng em không có ai tài trợ, chỉ người làng đoàn kết bao bọc cho nhau là được rồi .Khổ thế này đã ăn thua gì so với những ngày thắt lưng buộc bụng trong thời bao cấp:" Tất cả cho tuyền tuyến, tất cả để thắng Mỹ"...- Thế bà con còn định ở lại đây đến bao giờ?- Bao giờ giải quyết dứt điểm cho bọn em theo nghị định 64 CP, thì bọn em mới thôi, còn cứ cảnh ra vườn hoa Mai Xuân Thưởng, lại đẩy về ủy ban nhân dân tỉnh , rồi tỉnh lại đẩy xuống thị xã , thị xã cố tình ỉm đi là không xong với chúng em- Thế 2 tuần qua bà con đã gặp chủ tịch nước chưa?- Gặp thì còn nói chuyện làm gì, không biết ông ta minh ở đâu, triết ở đâu, chứ 15 ngày qua, dưới con mắt dân làng bọn em, ông ta tối tăm, mù loà chết chóc lắm , ông ta là là tr(Ch)ết, chứ có phải triết đâu?- Không sợ công an phun vòi rồng, hay bắt bớ như đối với nhóm bà con ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng à? Hôm trước cả 8 người bị bắt vào đồn công an Hàng Bài, bị chửi bới, đánh đập và bỏ đói suốt từ 8 giờ sáng đến tận 8 giờ tối đấy thôi?- Sợ gì, sợ thì chúng em đã chẳng dám bỏ nhà bỏ cửa ra đây, có điều những người bị bắt dũng cảm lắm, chửi bới rất hăng, nhất là bà Đỗ thị Luyện, dám tụt cả quần để thách đố lại sự ngạo ngược của bọn chúng, cả nhà sư Thích Đàm Bình nữa, chán cõi đời trần tục, phải lánh đời, lạc đạo mà cũng không xong với chúng, lại phải xông ra giữa đời mà cứu khổ cứu ...mạng . - Sao cái lũ công an phường Hàng Bài này mù loà cả đạo lý lương tâm lẫn luật pháp thế nhỉ, bắt người không có lệnh, thả người cũng không đền bù , giải thích gì. Cứ thích bắt là bắt, nhốt chán rồi không làm được gì lại thả. Không sợ cả 7 tỷ người trên khắp hành tinh nghẹo đầu, lắc cổ, nhún vai, bĩu môi ,bình phẩm à: - The country is no ruler( một nước nước không luật lệ) sao?- Thì chúng biết bà con lên thiên đình thưa kiện, sợ bà con tước mất dùi, gõ thùm thụp vào mặt trống, điếc tai lãnh đạo, điếc tai các nước láng giềng, bị 5 châu 4 biển lên án, nên phải "bắt cóc bỏ đĩa" chứ sao?- Nếu nhà sư Thích Đàm Niêm không kéo số bà con còn lại ở vườn hoa đến đòi người, thì chúng lại tiếp tục nhốt giữ, bỏ đói bà con qua đêm à?- Tất nhiên, sự sợ hãi nuôi dưỡng ý đồ xấu mà, bà con càng sợ chúng càng làm già, bà con ý thức được quyền làm người của mình, nhao nhao đòi thả, nếu không sẽ có các ký giả quốc tế đến tận nơi hỏi han, chụp ảnh, tường thuật cho cả thế giới biết ...khiến chúng mất mặt ấy chứ.- Trời ơi, sao không ghi tên và số hiệu của từng thằng để làm bằng chứng?- Chúng nó biết chơi không đúng luật, nên có dám đeo biển hiệu, mặc quân phục đâu, toàn lập lờ để bức hại dân oan đấy chứ, vì thế đôi co, đấu khẩu một chặp , biết thua cả lý lẫn lẽ, chúng buộc phải thả người.- Thế ngày mai bà con có tiếp tục biểu tình không?- Thứ 7, chủ nhật, các lãnh đạo không làm việc, bọn em lặng lẽ trở về, lo củng cố lương thực, tiền bạc, chăm chút nhà cửa rồi thứ 2 lại tiếp tục đu bám xe ô tô buýt, hoặc luồn lách bằng xe máy, hay tổ chức thuê riêng một chiếc ô tô để đưa đón bà con một ngày mấy lượt tụ tập ăn vạ trước cửa văn phòng trung ương như thế này.- Đoàn kết qúa nhỉ, thế buổi sáng, buổi trưa, bà con ăn uống ngủ nghỉ ra sao?- Đơn giản lắm mà, người nắm xôi, bánh mì, bánh chưng hoặc cơm nắm muối vừng. Nhà đông con của không ngon cũng hết. Cả mấy thúng bánh mì, mấy chục gói cơm nắm, rồi cả rổ củ đậu gọt sẵn chất cao như núi mà chỉ loáng đã hết...Đã có báo chí nào trong nước đưa tin bà con chưa?- Bố bảo cũng chẳng dám đưa, bá ạ, Việt Nam bị xiết họng báo chí mà, chỉ xiết thêm tí nữa là tắc họng giãy chết cả lũ thôi, nên phóng viên họ sợ lắm.- Ô hay thế đi cả năm, mà không có ai găm lên mặt báo một tiếng thì công cốc à?- Lo gì bác, họ muốn lấy dân làm gốc thì phải giải quyết chứ, nếu gốc đổ, cây có đứng nổi không?- Hay lắm, đúng là khẩu khí của "cô gái suối Hai, chàng trai cầu Rẽ"* , ngay cưả ngõ thủ đô có khác, từ lời ăn tiếng nói, cách trang phục, quan điểm, thái độ đều rành rẽ, hơn hẳn những người dân ngoan ở các tỉnh thành khác.- Thì đội ngũ lãnh đạo Hà Tây đểu nhất nước mà bá.-Ấy chết, đểu nhất phải là hệ thống luật pháp ở Bắc Giang và Vĩnh Phú chứ, chỉ có điều người dân ở xa trung ương nên vẫn còn bị tâm thức dốt nát và nô lệ hoá chi phối...-Bá yên tâm đi, cứ với cách điều hành này, thì Hà Tây quê lụa sẽ biến thành ...Hà Tây quê lửa, và sẽ có những Hà Tây trong lòng Vĩnh Phúc, Thái Bình, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hoà Bình, bá ạ...Cho đến thời điểm cuối 1-2007 này, cả một loạt làng nghề ở Việt Nam đã mất, từ cá rô đầm sét, làng hoa Ngọc Hà, làng Đào nhật Tân v.v... làng đúc đồng ở Ngũ xã, làng chạm bạc ở Đồng Sâm( Thái Bình) v.v Còn bây giờ, làng dệt lụa ở Vạn Phúc (Hà đông) còn hay không, phụ thuộc vào thắng lợi hay thất bại của cuộc ra quân lần này , cũng là phu thuộc vào cách giải quyết của ông chủ tịch Nguyễn Minh Triết . Nếu ông thực sự có cái nhìn đúng đắn, minh triết như cái tên của ông thì bà con còn có cơ ngẩng mặt, sống chết với nghề dệt lụa của mình, ngược lại, nếu ông cứ trốn chui trốn lủi mãi thì đồng nghĩa với việc ông treo niêu của cả chục nghìn người dân của làng nghề, bóp chết nghề dệt lụa truyền thống nổi tiếng của Việt Nam , bằng chính bàn tay vô cảm, độc tài, chết chóc của ông.
Cuộc biểu tình vẫn còn tiếp diễn, cả 6 triệu con mắt của đồng bào hải ngoại và 14 tỷ con mắt của thế giới đang nhìn vào để xem cách giải quyết của ngài chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ?Hy vọng, ông sẽ khác với các đời chủ tịt khác như Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương ...dở dở ương ương, làm khổ trăm dân trước đó .Ngô Quyền 26-1-2007TKTT

2. Ngồi chờ tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng